Theo Guardian, trong ngày 16/11, WHO đã quyết định đưa "tình trạng cô đơn" vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu. Cơ quan này cũng thành lập Ủy ban về Kết nối Xã hội - một ủy ban quốc tế chuyên nghiên cứu về sự cô đơn.
"Sự cô đơn gây hại cho sức khỏe tương đương với hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, thậm chí còn tạo ra nhiều nguy cơ hơn chứng béo phì hay lười vận động", Tiến sĩ Vivek Murthy, người đứng đầu Ủy ban về Kết nối Xã hội cho biết.
Cũng theo ông Murthy, cô đơn là tác nhân khiến nguy cơ mất trí nhớ ở người cao tuổi tăng thêm 50%, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ. Hiện tại, cứ 4 người lớn tuổi trên thế giới thì có 1 người phải sống trong cô đơn.
Báo cáo của WHO cho biết, tình trạng cô đơn xuất hiện tràn lan sau đại dịch Covid-19, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của 1/4 người già và 1/7 thanh thiếu niên trên toàn thế giới.
"Cô đơn đang dần vượt quá giới hạn và trở thành mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, phúc lợi và sự phát triển", đặc phái viên WHO Chido Mpemba nói.
Theo Guardian, có 12,7% thanh thiếu niên ở châu Phi phải đối mặt với tình trạng cô đơn, gấp đôi con số 5,3% ở châu Âu. Những người trẻ cô độc thường có xu hướng bỏ học, gia tăng nguy cơ trầm cảm và tự sát.
"Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến 1 quốc gia. Đây là một mối đe dọa toàn cầu đang bị đánh giá thấp", ông Murthy nhấn mạnh.
"Việc không có đủ mối quan hệ xã hội chặt chẽ sẽ làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, mất trí nhớ, trầm cảm, tự tử và hơn thế nữa", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
>> Đọc thêm tin thế giới trên báo VietNamNet