Thiếu, yếu đủ thứ
Khi Internet trở thành phương tiện hữu ích trong giáo dục cũng là lúc hàng trăm trường ĐH, CĐ lập website, diễn đàn. Tuy nhiên, lượng thì nhiều mà chất chẳng tương xứng. Ví dụ như trang chủ website Viện ĐH Mở Hà Nội (www.hou.edu.vn) bị "nhồi nhét" đủ loại logo, lời giới thiệu của các cơ sở giáo dục với màu sắc lòe loẹt, khiến người xem "chóng mặt" như lạc vào mê cung, hay trang web của ĐH Văn hóa Hà Nội (www.huc.edu.vn) lại chú trọng vào việc tập hợp... tin tức thời sự từ báo chí, kiểu như: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2008, "Sao" Nhật đến Việt Nam, tin Nhà nước đầu tư 24.566 tỷ đồng làm đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... và được bố trí theo từng mục Giáo dục, Văn hóa, Chuyên đề không khác gì... báo điện tử (!).
Bạn Thu Hoài (SV năm thứ 3, ĐH Văn hóa), nói: "Cung cấp thông tin như vậy không sai, nhưng đặt trước thực tế web còn thiếu quá nhiều nội dung thiết thực hơn như diễn đàn SV, tra cứu điểm thi, lịch thi… thì nó lạc lõng quá!"
Cũng tại website ĐH Văn hóa Hà Nội, phần giới thiệu các đề tài cấp trường, Bộ từ năm 1994 - 2007 của chuyên mục "Nghiên cứu khoa học", tưởng hứa hẹn cung cấp nhiều tư liệu tham khảo hữu ích cho SV, nhưng khi mở ra mới thấy web chỉ giới thiệu... suông tiêu đề, không có gì để đọc. Còn website www.taybacuniversity.edu.vn (ĐH Tây Bắc) giới thiệu cả giao diện tiếng Anh, nhưng khi bấm vào vẫn hiển thị tiếng Việt. Dù không có tài liệu để tải (download) nhưng vẫn "bảo có" cũng diễn ra ở ĐH Cần Thơ - Khoa Thuỷ sản (www.ctu.edu.vn)… Những "hạt sạn" như vậy là ví dụ điển hình cho tình trạng "đầu voi đuôi chuột", "không mà nói có" đang diễn ra tại nhiều website, gây thất vọng cho SV.
Diễn đàn: tùy tiện và bỏ hoang
Diễn đàn thường là nơi sôi động nhất trong website. Tại đây, SV thảo luận chuyện ở lớp, trao đổi kinh nghiệm học tập... và thầy cô qua chính kênh này cũng có thể lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía SV. Thế nhưng ở nhiều nơi lại èo uột, không phát huy hiệu quả.
Nhấp chuột vào diễn đàn ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, chưa kịp xem nội dung bạn sẽ được "thư giãn" ngay tức thì bằng bài hát "sặc mùi"… thất tình, đau khổ do một nam ca cất lên giữa điệu nhạc sầu bi: "Làm sao tôi dám tin vào em nữa đây?", "ai mà không đau em ơi, đừng nghĩ rằng tôi không biết đau - không ghen không phải là đàn ông"… (bài hát Không ghen không phải đàn ông - PV)!
Không thu hút được thành viên tham gia thảo luận, nhiều diễn đàn vừa mở đã sớm "chết yểu", hoặc tồn tại thì cũng… "chết đói" do phải dùng thông tin đã có từ… 1-2 năm trước. Tại www.hlu.edu.vn (ĐH Luật Hà Nội), thông tin được cập nhật gần nhất vào ngày 19/4/2007 và đến nay tổng bài viết tham gia chỉ vỏn vẹn 3 bài! Diễn đàn ĐH Nông Lâm Thái Nguyên hiếm hoi với 1 topic về trầm hương thì được đưa lên từ tháng 1/2008 - cho tới ngày 20/6/2008 vẫn chẳng ai ngó ngàng thảo luận…
Sinh viên cần gì?
Khi truy cập vào website, diễn đàn, SV rất cần nhà trường cung cấp thông tin hữu ích, sát với thực tế môi trường sống và học tập như sự kiện văn hoá, giáo dục… sắp diễn ra tại trường, thông báo thay đổi lịch học, tài liệu tham khảo, tra điểm thi qua mạng bằng mã số…; tư vấn hướng nghiệp với địa chỉ doanh nghiệp nhận SV làm việc bán thời gian, thông tin nhà trọ, quán ăn giá rẻ… Có thể nhắc tới một số trường đã làm khá tốt những điều đó như ĐH KHXH&NV Hà Nội (www.ussh.edu.vn) - giao diện không màu mè, đơn giản nhưng nội dung cung cấp cho SV nhiều thông tin hữu ích như: cơ hội việc làm, tóm tắt các luận văn xuất sắc để tham khảo… ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Dân lập Hải Phòng (www.hpu.edu.vn) triển khai tiện ích cho phép SV tra cứu lịch thi, điểm thi qua mạng; ĐH Bách khoa TP. HCM được SV trong trường đánh giá tốt do cập nhật thường xuyên lịch thi, thời khóa biểu, bảng điểm, chế độ học bổng...
Nếu các web, diễn đàn đáp ứng được những nhu cầu như vậy (tức là hướng trực tiếp đến chính đối tượng SV), chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện "chết yểu" và sẽ thu hút SV truy cập. Theo hướng như vậy, dù mới được lập từ đầu năm 2006 nhưng đến nay diễn đàn ĐH Ngoại thương đã có hơn 10.000 thành viên, hơn 7.000 đề tài thảo luận với số bài viết lên tới 68.000. Những con số ấn tượng trước thực trạng chung ảm đạm, "dặt dẹo" của các diễn đàn ĐH, CĐ trong nước.
Theo anh Vũ Tuấn, quản trị (admin) diễn đàn www.ttvnol.com: "Quản trị diễn đàn ĐH, CĐ là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và sự hiểu biết để điều hành hướng đi đúng cho thành viên. Nhưng tôi thấy nhiều trường bây giờ vẫn xem nhẹ chuyện tuyển admin giỏi, lập ra web, diễn đàn chỉ cho "bằng chị bằng em". Muốn hoạt động hiệu quả cần đầu tư xứng đáng, phải có ban chuyên trách quản lý, thu thập thông tin, được hưởng lương như bất kì phòng ban nào trong trường chứ không thể giao phó cho một vài cá nhân làm theo kiểu được chăng hay chớ".
Đọc toàn bộ bài viết trên Báo Bưu điện Việt Nam số 51 ra ngày 26/6/2008.