Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở của Việt Nam được tổ chức chiều ngày 17/1/2019 tại Hà Nội. |
Hoàn thiện Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số, Dữ liệu mở
Chiều nay, ngày 17/1/2019, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu mở và Chính phủ số.
Hội thảo được tổ chức với mục đích lấy ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan liên quan và các chuyên gia nhằm hoàn thiện Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam đã được VPCP phối hợp cùng các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và các bộ, ngành, liên quan bắt đầu tiến hành đánh giá và xây dựng từ tháng 12/2017.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, để tạo được những bước tiến lớn, tại nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định và quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử. Đây là định hướng rất đúng đắn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số.
Để tiếp cận xu hướng thế giới, Việt Nam vẫn cần phải tăng cường cập nhật, tiếp cận xu thế chung của thế giới. Với những nhận thức rõ ràng về cơ hội và thách thức của đất nước trong bối cảnh CMCN 4.0 thể hiện nhất quán tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 hồi tháng 8/2018, tại hội nghị này, Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm để Việt Nam nắm bắt các cơ hội mang lại bởi dữ liệu mở và phát triển quốc gia để đột phá tăng tốc phát triển trong thời đại hiện nay.
Thông tin về Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và Dữ liệu mở tại Việt Nam hiện đang trong quá trình hoàn thiện, Chủ nhiệm VPCP cho biết, báo cáo gồm 2 chủ đề về đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số và đánh giá mức độ sẵn sàng cho Dữ liệu mở. Cụ thể, việc đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số nhằm xem xét tiềm năng phát triển Chính phủ số của Việt Nam thông qua đánh giá 7 lĩnh vực chính; còn việc đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở tập trung vào thực trạng hệ sinh thái dữ liệu mở của quốc gia, với phạm vi phân tích, đánh giá tập trung vào 8 lĩnh vực.
Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong triển khai Chính phủ số, Dữ liệu mở
Nhấn mạnh rõ để biến quyết tâm của lãnh đạo cao cấp thành những kết quả trên thực tế đòi hỏi những thay đổi về luật pháp và những hành động cụ thể trong phạm vi toàn Chính phủ và xã hội, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng chia sẻ về một số phát hiện chính của WB từ kết quả nghiên cứu, khảo sát.
Theo WB, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở với những cam kết chính sách đối với xu hướng chuyển dịch toàn cầu sang cuộc CMCN 4.0 và ban hành các văn bản trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, có các hướng dẫn xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát của WB cũng chỉ ra rằng, Việt Nam hiện đã có được nền tảng vững chắc để phát triển Sáng kiến dữ liệu mở, và môi trường chính trị hiện tại có lợi cho việc khởi động một sáng kiến như vậy trong tương lai gần. Chính phủ cũng rất năng động trong việc thử nghiệm các mô hình tài trợ mới sáng tạo như hợp tác công tư hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thực hiện xây dựng Chính phủ số, dữ liệu mở.
Chính phủ đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật có tính nền tảng để phát triển Chính phủ số. Một số Bộ, ngành đã có sẵn một số dữ liệu đã được định dạng theo tiêu chuẩn phân ngành quốc tế để công bố. Một số cơ quan đã bắt đầu sử dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây. Tuy nhiên, những hoạt động này còn mang tính đơn lẻ, trong khi còn chưa rõ về các tiêu chuẩn, chính sách liên quan đến một số lĩnh vực quan trọng như điện toán đám mây Chính phủ, quản lý dữ liệu Chính phủ, mua sắm CNTT của Chính phủ hay khả năng tương tác giữa các hệ thống thông tin của Chính phủ vốn là những cấu phần của một nền tảng Chính phủ số giúp mang lại tính kinh tế theo quy mô.
Người đứng đầu VPCP cũng cho biết, theo phát hiện của WB từ kết quả nghiên cứu, đánh giá, thách thức trong phát triển Chính phủ số và Dữ liệu mở thời gian tới còn là việc thiếu khung khổ pháp lý cho việc xây dựng, triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở cũng như các văn bản điều phối và phối hợp giữa các cơ quan, sự chia sẻ thông tin qua hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ dùng chung giữa các cơ quan đồng cấp và theo chiều dọc từ trung ương đến địa phương.
Thêm vào đó là thách thức tới từ khó khăn tài chính cũng như kỹ năng công nghệ trong khu vực Nhà nước cũng làm ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng Chính phủ số và những sáng kiến dữ liệu mở.
“Báo cáo của WB cũng giúp chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Việt Nam cần khắc phục như Khung chính sách, pháp lý; Trách nhiệm và năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời khuyến nghị Kế hoạch hành động kèm lộ trình rất cụ thể để thúc đẩy quá trình xây dựng, triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở”, ông Dũng nhận định.
Ông Dũng còn cho hay, nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh giá Chính phủ số và Dữ liệu mở, sau hội thảo khởi động ngày 16/1/2018, VPCP đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rất nhiều nhiệm vụ để tự đánh giá và đề ra giải pháp khắc phục. "Có thể nói, các đánh giá của VPCP và Bộ TT&TT cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tương đối thống nhất với nội dung, kết quả đánh giá của WB. Thêm vào đó, trong năm 2018, chúng tôi cũng đã đạt được một số chuyển biến quan trọng để thúc đẩy quá trình triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”, ông Dũng nói.
Lãnh đạo VPCP nhấn mạnh: "Bước sang năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành, trong đó cần chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Những đánh giá và khuyến nghị của WB trong triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở sẽ giúp Việt Nam nhận thức rõ những nhiệm vụ cần triển khai trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”.