Tăng trưởng chậm lại
Tại báo cáo “Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam - Ấn bản Tháng 8/2021”, do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Dự báo này thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo cũng của WB vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới các hoạt động kinh tế.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp WB, cho rằng, kinh tế toàn cầu vẫn ở trong tình trạng bất định do dịch bệnh, vì vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể thấp hơn dự báo.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch, ở mức 6,5-7% từ năm 2022 trở đi. Dự báo này dựa trên giả định rằng đợt dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi trong quý IV.
Theo bà Dorsati Madani, thời gian qua, kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu rất tốt và đạt kết quả vững chắc trong nửa đầu năm 2021 với mức tăng trưởng 5,6%, nhờ sự tăng trưởng của khu vực công nghiệp. Động lực tăng trưởng là đầu tư và tiêu dùng tư nhân.
Việt Nam được dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 |
Nhưng đáng tiếc, Việt Nam đang phải đối chọi với đợt dịch thứ 4 bùng phát từ tháng 4. Việc hạn chế đi lại tác động tới các hoạt động kinh tế. Chỉ số PMI tụt xuống dưới mức 50%, giống như các nước ASEAN. Trong tháng 7, doanh số bán lẻ giảm, thâm hụt thương mại tăng do xuất khẩu giảm, trong khi nhập khẩu tăng. Xuất khẩu máy tính, điện tử giảm mạnh.
Trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi tăng trưởng ngành công nghiệp giảm từ 4,9% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 xuống còn 2,2% trong tháng 7.
Nền kinh tế dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 8 do giãn cách xã hội nghiêm ngặt để dập dịch từ tháng 7, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, TP.HCM và sau đó là Hà Nội.
Theo WB, tỷ lệ tiêm vắc xin thấp sẽ làm tăng nỗi đau kinh tế cho Việt Nam do Chính phủ không thể sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế để giúp kinh tế phục hồi.
Đối mặt nhiều rủi ro
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. WB cho rằng, những tác động này không dễ đo lường vì chúng thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào quy mô của đại dịch và mức độ nghiêm ngặt của việc hạn chế đi lại.
Mặc dù vậy, thông điệp chung là nhiều cá nhân đã và đang phải gánh chịu khó khăn ngày càng lớn do kinh tế trong nước đang có chiều hướng xấu đi trong vài tháng qua.
Chẳng hạn, thị trường lao động vẫn chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây cho thấy việc làm và thu nhập của lao động bắt đầu phản ánh tác động của đợt dịch thứ 4. Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đã trở nên rõ nét hơn, thậm chí trước đợt dịch Covid-19 bùng phát tháng 4.
Về kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng, thêm 6 tỷ USD từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, nhưng cả cán cân thương mại hàng hóa và cán cân vãng lai lại xấu đi trong nửa đầu năm.
Việt Nam cần tăng cường chuyển đổi số. |
Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế. Khu vực kinh tế đối ngoại đã mất đi một phần động lực vì dòng vốn FDI giảm 11% trong 7 tháng đầu năm 2021, còn cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt sau khi đạt kết quả thặng dư cao chưa từng có trong năm 2020.
Theo báo của WB, các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy do dịch bệnh. Họ buộc phải đóng cửa nhà máy hoặc hoạt động cầm chừng, chưa kể phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các quốc gia mà hoạt động sản xuất đang phục hồi mạnh mẽ.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chính sách nới lỏng, trong khi Chính phủ quay về chính sách tài khóa trung lập hơn trong nửa đầu năm 2021. Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% những tháng gần đây, so với 10-12% trong năm 2020, góp phần hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng song cũng có thể đem lại rủi ro cao hơn cho khu vực tài chính, WB khuyến cáo.
Do đó, theo tổ chức này, Việt Nam cần thận trọng với rủi ro nợ xấu gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch. Đây là lúc cần có kế hoạch giải quyết nợ xấu, có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II.
WB cũng khuyến nghị Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro tài khóa. Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP rơi vào khoảng 55,3% GDP vào cuối năm 2020, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt dịch hiện nay không sớm được kiểm soát, hoặc các đợt dịch mới lại nổ ra trong những tháng tiếp theo. Do đó, cần tiếp tục theo dõi sát sao vì rủi ro tài khóa liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước, dễ trở thành nợ tiềm tàng.
Ngoài phân tích về những xu hướng gần đây của nền kinh tế, trong báo cáo này, WB cũng chỉ rõ những gì Việt Nam cần thực hiện để đạt được tham vọng trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến nhất trên thế giới.
M. Hà
Khắp nơi kêu làm ăn khó khăn, thu thuế vẫn đồng loạt tăng cao
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng nhưng số thu ngân sách vẫn tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...