Cuối tháng 10/2021, một nhóm thành viên chủ chốt của các DN từ Cộng hòa Séc, Nga chấp nhận cách ly một tuần để được vào Việt Nam. Họ lưu trú tại Đà Nẵng, Hà Nội chờ đủ thời gian trước khi di chuyển vào TP.HCM.
Ít ngày sau, tại nhà máy sản xuất xuất cà phê ở huyện Hóc Môn, sau khi tìm hiểu quy trình chế biến, nguồn gốc nguyên liệu, các đối tác đã ký đơn hàng với một thương hiệu cà phê nông sản.
Đúng ngày 1/1/2022, hai container 40 feet chất kín sản phẩm “made in Việt Nam” lên đường sang các nước bạn. Giá trị lô hàng xuất khẩu khoảng 220.000 USD (xấp xỉ 5 tỷ đồng).
“Khối Hiệp hội cơ khí điện có số lượng người lao động quay lại sau Tết lớn nhất trong các năm. Có công ty đã kín đơn hàng hết quý I. Ngành gỗ được đặt hàng đến hết tháng 6/2022. Với đà này thì một thời gian ngắn nữa, kinh tế TP.HCM sẽ tăng trưởng dương, phát triển mạnh”, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ - chia sẻ.
Tình hình thị trường TP.HCM tháng 1/2022 (nguồn: Sở Công thương) |
Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng TP.HCM tháng 1/2022 (nguồn: Sở Công thương) |
TS.Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng, Việt Nam đang bắt đầu một tâm thế hoàn toàn mới trong công cuộc phục hồi và chống dịch. Từ tâm thế của một cuộc chiến loại trừ Covid-19 sang sống chung và giờ là vượt qua đại dịch.
Hành trình khôi phục bắt đầu đến sớm ở TP.HCM. Sự hồi phục của TP rất quan trọng vì nó dẫn dắt nền kinh tế khu vực phía Nam và cả nước.
Do tác động của đại dịch, kinh tế TP chưa bao giờ giảm sâu như vậy, tăng trưởng âm 6,78% trong quý 3/2021. Trong khi các năm, tốc độ tăng trưởng của TP thường gấp 1-2 lần bình quân cả nước và gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng bình quân thế giới.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế TP.HCM - thông tin, kịch bản chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2025 được phân theo hai chặng đường. Trong đó, năm 2022 là chặng đường lấy lại những gì đã mất, đồng nghĩa GDP của TP.HCM sẽ bằng với GDP năm 2020 tức là khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương phải tăng trưởng ở mức 6,5%. Sau khi lấy lại những gì đã mất thì giai đoạn 2023-2025, TP.HCM dự kiến tăng trưởng trên 8%.
“Phải tăng trưởng sẽ theo chữ V đứng. Mục tiêu là ổn định sản xuất trong năm 2022 và từ 2023-2025 sẽ tăng tốc để bù đắp. Thời gian là yếu tố quyết định đối với TP.HCM”, ông Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay.
Dòng người về đến sân bay Tân Sơn Nhất sau Tết Nguyên đán (ảnh: Trần Chung) |
Tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu qua cảng TP.HCM ước đạt 3,75 tỷ USD (tăng 6,5% so với cùng kỳ); nhập khẩu ước đạt 4,51 tỷ USD (tăng 5,96%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước 73.514 tỷ đồng (tăng 5,1% so với tháng trước). Hai lĩnh vực trước đây bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 là hệ thống bán lẻ hàng hóa và du lịch lữ hành thì đang tăng trưởng rất khá (bán lẻ hàng hóa tăng 7,1% và du lịch lữ hành tăng 8%). Đăng ký thành lập mới DN tăng, giải thể giảm và DN hoạt động trở lại có xu hướng tăng. Các DN bổ sung vốn trong tháng 1/2022 của ngành bán buôn, bán lẻ và công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 56,7% trong tổng số các DN bổ sung tăng vốn trong tháng. |
Trần Chung
Bùng nổ hàng không, cánh bay báo hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ
Những ngày đầu năm 2022, sân bay đã “full khách”, tín hiệu vui của ngành hàng không chính là báo hiệu tích cực cho sự giao thương và kinh tế phục hồi mạnh mẽ.