Qua khó khăn, thấy mạnh mẽ hơn
2020 là một năm đặc biệt thách thức. Nhưng 2020 cũng là năm cho thấy sức bật mạnh mẽ của Việt Nam: quả cảm, quyết liệt, không ngại khó, không ngại khổ, không lùi bước.
Tinh thần này có lẽ đã bắt nguồn từ một lịch sử đầy sóng gió của đất nước, và cứ đến những thời điểm khó khăn lại trở thành điểm tựa của cả dân tộc, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: vaccine có sẵn của Việt Nam chính là tinh thần kiên cường, càng khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên.
Tinh thần này của Việt Nam trong năm 2020 khiến ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC nghĩ nhiều đến cây tre. Ở cây tre có sự mềm dẻo, linh hoạt, kiên cường và khả năng thích ứng ngay cả giữa những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đó cũng là những phẩm chất phần nào giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đi qua một năm 2020 đầy sóng gió.
Sức sống doanh nghiệp Việt: Vượt thách thức, tìm cơ trong nguy |
Ông Tô Nhật, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn AMACCAO tâm sự: “Khủng hoảng kép” do covid-19 gây ra đã ảnh hưởng cả tiêu cực và tích cực. Tháng 3/2020, Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội. Cho nên mảng giáo dục đào tạo của chúng tôi không làm gì được, trong khi vẫn phải chi tiền ra. Còn nhà máy nước và rượu của AMACCAO, chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng trưởng 1,5 lần, nhưng cuối cùng lại chỉ tương đương năm trước.
Tuy nhiên, vì Covid-19, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, Hàn Quốc bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đó lại là cơ hội cho những DN trong nước.
“Trước đây nhiều DN Việt Nam nhập hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cạnh tranh trực tiếp với chúng tôi. Ngay khi bị chuỗi cung ứng bị gián đoạn, không còn nguồn hàng, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng giành thị phần”, ông Tô Nhật chia sẻ.
Ông Trịnh Văn Quyết. |
Để vượt qua khó khăn, lãnh đạo FLC chũng cho biết đã thực hiện tái cấu trúc quyết liệt trên nhiều, đầu tiên là ưu tiên xử lý từ bên trong, lấy chính những giá trị nội lực cốt lõi của mình để làm điểm tựa rồi từ đó mới hướng ra bên ngoài, sẵn sàng đi ngược chiều gió để tìm “cơ” trong “nguy”. Mục tiêu là xốc lại hệ thống, củng cố đội ngũ, tinh thần, và tiếp đó là chuẩn bị sẵn sàng những phương án để bật dậy sau đại dịch.
Và sau mỗi đợt cao điểm đại dịch, các DN như FLC lại lập tức bắt tay phục hồi hoạt động kinh doanh như: Thúc đẩy thi công tại các dự án với thời gian kỷ lục. Đặc biệt đã hoàn thành và khai trương khách sạn quy mô lớn nhất Việt Nam; chung tay cùng ngành du lịch thực hiện chuỗi sự kiện kích cầu quy mô lớn trên nhiều tỉnh thành…
Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19 đến lĩnh vực du lịch - ngành kinh tế vốn được xem là mũi nhọn có tác động chính đến phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương.
Thách thức phía trước, cải cách để vươn lên
Nhìn về 2021, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, đây sẽ là năm có ý nghĩa quan trọng với kinh tế - xã hội nói chung, và với cả từng DN nói riêng. Chúng ta sẽ được thấy Đảng, Nhà nước tổng kết nhiều quyết sách lớn, đồng thời đề ra nhiều chiến lược phát triển nhằm xác định tầm nhìn cho thập kỷ mới.
“Trong hoàn cảnh đó, một trong những từ khoá mà doanh nghiệp chúng tôi đang nói đến nhiều nhất chính là tái cấu trúc, đặc biệt là tái cấu trúc về con người để tinh chỉnh bộ máy doanh nghiệp, nâng cao hiệu suất vận hành”, ông nói.
Nhìn chặng đường sắp tới, khi Covid-19 vẫn còn hoành hành, thế giới còn nhiều biến động, ông Tô Nhật mong muốn khu vực tư nhân có thêm cơ hội để phát triển.
Lãnh đạo AMACCAO kiêm Chủ tịch Success Business School cho rằng tiếp tục thúc đẩy khu vực tư nhân là “chìa khóa” để Việt Nam phát triển bởi đó là quy luật phát triển kinh tế của bất cứ quốc gia nào.
Ông Nhật nhấn mạnh: Sự thúc đẩy của Chính phủ sẽ không phải là dựa trên các “gói hỗ trợ” mà ở thể chế, khung pháp lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Cải cách thể chế giai đoạn vừa qua theo đánh giá của lãnh đạo doanh nghiệp này đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh,vẫn gặp nhiều câu chuyện liên quan đến “Nghị định đá nhau”, khiến việc thực thi của các sở ngành bị “tắc”, mất nhiều thời gian giải quyết.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục được “tiếp lửa” từ tiến trình cải cách mạnh mẽ của đất nước, đặc biệt trong những vấn đề mang tính cốt lõi, như nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy quản lý các cấp; tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; đảm bảo cơ chế kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực, để doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau đi lên bền vững.
"Đây có lẽ cũng là mong muốn của hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân đang có những giấc mơ lớn, hoài bão lớn với mong muốn đóng góp thêm một phần sức lực để xây dựng đất nước hùng cường, phát triển bền vững trong thập kỷ mới", ông Quyết nhấn mạnh
Tại hội thảo do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia tổ chức, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia ADB cũng cho rằng năm 2021 Việt Nam vẫn phải tiếp tục quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường bởi đây là quá trình Việt Nam vẫn “chưa hoàn tất” dù đã trải qua hơn 30 năm. Ngoài ra, phải tiếp tục thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển bởi “chỉ khu vực tư nhân năng động mới giúp Việt Nam vượt qua được các khó khăn”.
Lương Bằng
Đón 'đại bàng, khi Apple, Samsung và LG chọn đến Việt Nam
Việt Nam - cái tên ấn tượng được nhắc đến nhiều trên thế giới trong năm vừa qua. Khó khăn vì đại dịch nhưng người Việt đã tìm cách vượt qua, để tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng.