Huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có dân số khoảng 50.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 78%, với 02 DTTS chủ yếu là Bru - Vân Kiều và Pa Cô. Tại đây, do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, dù đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân, phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS&MN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quyền bình đẳng.
Với những nỗ lực thay đổi nhận thức, phát huy cao nhất vai trò, vị trí chị em, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đakrông đã triển khai phong phú, đa dạng các hoạt động tuyên truyền nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 8 Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Hội chú trọng bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới, xây dựng kế hoạch truyền thông cho đội ngũ cán bộ cơ sở, thành viên các mô hình của Dự án 8. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát về thực hiện các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, hủ tục và một số vấn đề xã hội cấp thiết, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Giúp phụ nữ DTTS làm chủ cuộc sống
Về xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, Dự án chú trọng vào hoạt động củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì mô hình tổ tiết kiệm vốn vay thôn, bản để tăng cường tiếp cận tín dụng, cải thiện cơ hội sinh kế, tạo thu nhập và lồng ghép giới;
Đồng thời hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường nông sản; xây dựng các tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường.
Hội LHPN huyện đã tích cực hỗ trợ phụ nữ khó khăn, nhất là hướng dẫn cho họ phát triển kinh tế gia đình, trang bị các kiến thức ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: công nghệ số, bán hàng online, sử dụng mạng xã hội và các phần mềm tiện ích...
Việc hình thành các mô hình tổ hợp tác, HTX đã khuyến khích tinh thần mạnh dạn tiếp thu trong sản xuất, kinh doanh của phụ nữ DTTS, đồng thời khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng bào nghèo ở nhiều địa phương đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần những hủ tục để từng bước vươn lên, nhờ đó, cuộc sống của đồng bào dần được nâng lên đáng kể.
Hội LHPN huyện cũng xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ người DTTS tại các cấp; trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng; xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về lồng ghép giới...
Hội thành lập và duy trì hoạt động tổ truyền thông cộng đồng; củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới địa chỉ tin cậy cộng đồng; hỗ trợ thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường THCS và cộng đồng.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, Dự án 8 đã đạt được những kết quả tích cực. Các xã trong vùng dự án đã thành lập được 144 tổ truyền thông cộng đồng; 29 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 39 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 24 hội nghị đối thoại chính sách; 4 tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin; 50 nữ cán bộ DTTS tham gia lãnh đạo được nâng cao năng lực...
Triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 mang đến cho phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS tại Đakrông nhiều cơ hội để thay đổi toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ DTTS, bảo vệ và chăm sóc phát triển trẻ em vùng núi ngày càng tốt hơn.