Mỹ-Trung cùng lên đỉnh

Điểm nhấn của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần là sự bứt phá dữ dội của nhóm cổ phiếu công nghệ. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng vọt thêm hơn 2,2% lên đỉnh cao lịch sử mới: 10.433,65 điểm.

Sức mạnh của nước Mỹ khởi sắc với hàng loạt các cổ phiếu công nghệ như Apple, Amazon, Microsoft và Alphabet đều tăng ấn tượng. Cổ phiếu công nghệ-bán lẻ Amazon của tỷ phú Jeff Bezos tăng vọt và lần đầu tiên vượt mốc 3.000 USD/cp.

Sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới giúp tài sản của Jeff Bezos tăng vọt lên khoảng 175 tỷ USD và giữ vững ngôi vị người giàu nhất hành tinh, bất chấp vụ ly hôn năm 2019 khiến sổ cổ phần của doanh nhân này giảm mạnh.

Không chỉ nhóm cổ phiếu công nghệ, các chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số tầm rộng S&P 500 đều tăng điểm mạnh, át nỗi lo đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu với số ca nhiễm tăng vọt.

{keywords}
Cổ phiếu Tesla tăng vọt, tỷ phú Elon Musk kiếm thêm hàng chục tỷ USD từ đầu năm. (Ảnh: CNBC)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới gần đây có thêm 200.000 ca nhiễm mỗi ngày. Đây là một con số kỷ lục. Cả thế giới có hơn 11,5 triệu người nhiễm, trong đó số ca tử vong đang tiến dần đến ngưỡng 600 nghìn người. Mỹ vẫn là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất với khoảng 130 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. 

Hầu hết các tập đoàn lớn của Mỹ đều ghi nhận giá cổ phiếu tăng mạnh giữa lúc thế giới đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ dịch bệnh cho tới căng thẳng địa chính trị và các cuộc chiến thương mại, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cổ phiếu Tesla tăng vọt 13,5% và đây là phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Tập đoàn tài chính ngân hàng JPMorgan vừa nâng giá mục tiêu đối với cổ phiếu Tesla sau khi hãng sản xuất xe điện này ghi nhận doanh số bán hàng quý tốt hơn dự kiến.

Thị trường tài chính thế giới cũng sôi động sau khi nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet công bố thương vụ khủng đầu tiên trong bối cảnh bất ổn thị trường trong năm nay, với giá trị lên tới gần 10 tỷ USD.

Berkshire Hathaway - công ty đầu tư của tỷ phú Warren Buffett hôm 5/7 công bố thương vụ mua tài sản mảng lưu trữ và vận chuyển khí đốt thiên nhiên từ Dominion Energy. Đây là thương vụ đầu tiên của Berkshire kể từ khi Mỹ bị kéo vào suy thoái vì đại dịch cho dù doanh nghiệp này có tới 137 tỷ USD tiền mặt.

Cổ phiếu của hãng xe công nghệ Uber cũng tăng vọt 6% sau khi có thông tin công ty này đang mua ứng dụng giao đồ ăn Postmates trị giá khoảng 2,7 tỷ USD.

{keywords}
Trong khi Fed bơm tiền thì truyền thông Trung Quốc khuyến khích người dân mua chứng khoán. (Ảnh: CNBC)

Dòng tiền lớn, lo ngại tình trạng bong bóng

Các thương vụ khủng đã giúp thúc đẩy tâm lý thị trường và tạm thời xóa đi nỗi lo thế giới nhiều tiền nhưng “vẫn chưa thấy có gì hấp dẫn”. Giới đầu tư đặt cược vào khả năng các ông lớn thế giới bắt đầu bắt đáy các loại tài sản trên thị trường.

Tài sản của nhiều tỷ phú công nghệ trên thế giới tăng mạnh. Trong khi Jeff Bezos có 175 tỷ USD thì Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk ghi nhận tài sản tăng thêm khoảng 27 tỷ USD kể từ đầu năm. Nhà sáng lập Zoom Video Communications Eric Yuan chứng kiến tài sản cá nhân tăng gấp 4 lên khoảng 13,5 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, nhiều tỷ phú trong ngành thời trang, du lịch, hàng không… chứng kiến tài sản bốc hơi mạnh như ông chủ Zara, ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault, hay cả ông chủ Berkshire Hathaway Warren Buffett…

Nhưng tính chung, khối tài sản của 500 người giàu nhất thế giới vẫn gia tăng trong thời đại dịch Covid-19, hiện ở mức  khonagr 5,93 nghìn tỷ, cao hơn so với mức 5,91 nghìn tỷ USD tại thời điểm đầu 2020.

Chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong bối cảnh lượng tiền ngân hàng trung ương (Fed) và Bộ Tài chính nước này bơm ra thị trường lên tới nhiều nghìn tỷ USD. Lượng tiền này giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. Nó cũng tạo ra sự dư thừa thanh khoản và khiến một phần không nhỏ chảy vào TTCK.

{keywords}
Chứng khoán tăng giúp ông Donald Trump có lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Chứng khoán Mỹ tăng còn do nền kinh tế Mỹ hồi phục. Chính quyền ông Donald Trump giữ cho nền kinh tế mở cửa bất chấp một làn sóng lây nhiễm Covid thứ 2. Chỉ số hoạt động phi sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) trong tháng 6 đã gần trở về mốc trước đại dịch Covid-19, tăng từ mức 45,4 điểm hồi tháng 5 lên 57,1 điểm.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng hồi phục nhanh chóng với các chỉ số sản xuất, sức tiêu dùng… đều tăng mạnh trở lại. Chứng khoán Trung Quốc ghi nhận những phiên tăng điểm mạnh, với chỉ số Shanghai Composite vọt hơn 5% khi nước này quyết định tiếp tục mở cửa cho dù dịch Covid-19 bùng phát và những thông tin tích cực từ truyền thông quốc gia.

Theo Bloomberg, chỉ số lớn của TTCK Trung Quốc gần đây tăng mạnh và đã chạm đỉnh 5 năm. Từ đầu năm, chỉ số CSI 300 đã tăng 12% và đang ở mức cao nhất kể từ 2015. Sự tăng trưởng của TTCK Trung Quốc được xem là quan trọng đối với nền kinh tế hơn bao giờ hết.

Mặc dù chứng khoán Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh nhưng nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng bong bóng tài chính. Tại Trung Quốc, giới đầu tư lo ngại về một đợt bong bóng giống như hồi năm 2015, trong khi tại Mỹ nhiều chuyên gia cảnh báo về một bong bóng dotcom khác có thể đang hình thành.

Trong khi đó căng thẳng Mỹ-Trung vẫn gia tăng. Chính quyền ông Donald Trump vừa cho biết đang cân nhắc một số sắc lệnh hành pháp về Trung Quốc nhằm “tài thiết sự cân bằng”. Đại diện Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ xem xét giải quyết vấn đề Trung Quốc như thế nào, cách đưa sản xuất từ nước ngoài về Mỹ và đảm bảo người lao động Mỹ được hỗ trợ.

M. Hà