Những chiếc bánh chưng đón Tết

Hàng năm, cứ vào dịp này, Lê Quang Hoàn lại cùng một số du học sinh Việt tại Trường Conestoga College (Canada) đi tới hội chợ xuân để mua một vài món ăn Việt về chuẩn bị mâm cỗ Tết.

Tuy nhiên, năm nay, dịch Covid-19 khiến hội chợ không thể tổ chức, các du học sinh cũng không thể tụ tập, cùng nhau gói bánh chưng, Hoàn quyết định bắt xe đi hơn 60 km, tới chợ người Việt để mua bánh chưng, mứt Tết ăn “cho đỡ nhớ”.

{keywords}

Bánh chưng được Hoàn mua từ chợ người Việt

Đây không phải lần đầu tiên ăn Tết xa, nhưng cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn có cảm giác nhớ nhà.

“Kể từ khi mình đi du học, bố mẹ cũng lắp thêm camera trong nhà để con trai có thể dõi theo những hoạt động hàng ngày của cả gia đình thông qua màn hình điện thoại. Những ngày sát Tết, dù mải với việc học nhưng mình vẫn thường xuyên theo dõi để biết mọi người trong nhà đang làm gì.

Năm nay, gia đình mình đón Tết có đầy đủ đào quất, bố mẹ cũng chuẩn bị Tết từ rất sớm. Dù vậy, không có con trai ở nhà, bố mẹ vẫn nói “Tết vắng con nên cũng không trọn vẹn”. Nghe vậy càng làm mình muốn được trở về ăn Tết Việt Nam”.

{keywords}

Hoàn rủ thêm một vài người bạn Ấn Độ cùng ăn bữa cơm đón Tết

Dù không có đầy đủ mâm cỗ ngày Tết nhưng Hoàn vẫn cố gắng chuẩn bị một số món mang “vị Tết” quê hương. Cậu cũng rủ thêm một vài người bạn Ấn Độ để cảm nhận không khí quây quần như những ngày đầu năm mới tại quê nhà.

Những lời chúc qua “video call”

Đây là năm thứ hai Nguyễn Minh Anh (sinh viên chuyên ngành Marketing quốc tế, Trường ĐH Glasgow Caledonian) đón Tết ở Anh. Vì Covid-19, kế hoạch trở về ăn Tết ở Việt Nam của Minh Anh đành gác lại.

Năm ngoái, nữ sinh cùng những người bạn trong cộng đồng người Việt nấu bữa cơm tất niên vào đêm 30 với bánh chưng, đồ ăn ngày Tết. Nhưng năm nay, buổi họp mặt sẽ được tổ chức trực tuyến.

“Đón Tết một mình, thông qua màn hình máy tính càng làm em thêm nhớ nhà. Nhìn các bạn đăng ảnh dọn dẹp, trang hoàn nhà cửa – những công việc trước kia mình vẫn thường trốn tránh, bây giờ muốn giúp bố mẹ cũng không được.

Buồn nhất là những lần gọi điện về cho mẹ, chỉ biết bật khóc vì nhớ”, Minh Anh chia sẻ.

{keywords}

Dù xa nhà, Minh Anh vẫn xem Táo Quân như một phần không thể thiếu trong những ngày Tết.

Trong khi đó, Hoàng Ngọc Hà, hiện đang học thạc sĩ tại Trường ĐH Huddersfield vẫn cố tổ chức một bữa ăn nho nhỏ có đầy đủ giò và bánh chưng.

“Giò và bánh chưng bên Anh khá khó kiếm, phải chuyển từ thành phố khác tới với chi phí đắt đỏ, nhưng vì quá thèm không khí Tết truyền thống nên chúng mình vẫn quyết định góp tiền để mua”.

{keywords}

Những chiếc bánh chưng được Hà và các bạn mua từ thành phố khác về với chi phí đắt đỏ.

“Đây là cái Tết đầu tiên mình trải qua không phải dưới trời mưa xuân mà là mưa tuyết. Trời vẫn ẩm ướt và lạnh, nhưng cái lạnh rất khác với Việt Nam. Đón Tết tại xứ người làm mình càng thêm nhớ da diết vị Tết cổ truyền của quê hương”, Ngọc Hà bộc bạch.

Để cái Tết một mình không còn thấy buồn

Đang là giảng viên, dù đã có hơn 6 năm học tập và làm việc tại Quảng Tây (Trung Quốc), nhưng đây là lần đầu tiên Đỗ Văn Nam đón Tết xa nhà.

“Tết ở Trung Quốc cũng giống như Việt Nam, các trường học đóng cửa, học sinh, sinh viên đều trở về nhà. Người Việt quanh khu mình cũng rất rải rác, vì thế, mình phải một mình đón Tết”.

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, ngày cuối năm, Nam đi chợ, mua một ít nguyên liệu và rủ một vài người bạn Trung Quốc làm món nem rán, sau đó dọn dẹp nhà cửa và gọi điện về hỏi thăm sức khỏe của mọi người trong gia đình.

{keywords}{keywords}

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, Nam rủ một vài người bạn Trung Quốc làm món nem rán của Việt Nam.

“Buồn nhất khi xa quê là đêm giao thừa, xung quanh mình đều là các gia đình và các đôi tình nhân đi xem pháo hoa, hát hò, chụp ảnh, bỗng dưng mình cũng cảm thấy thật lạc lõng.

Nhưng rồi, mình cũng tìm được niềm vui bằng cách trò chuyện với các cô chú vệ sinh môi trường, nhờ một bác bảo vệ đang đứng một mình xem pháo hoa gần đó chụp cho bức ảnh làm kỷ niệm.

{keywords}

Bức ảnh Nam nhờ bác bảo vệ chụp mình.

Mình cũng đi ra mấy quán đồ nướng bên đường, vừa xem pháo hoa, vừa ngồi thưởng thức đĩa hàu nướng mỡ còn đang sôi xèo xèo, tiện đặt luôn một chuyến du lịch đi thành cổ Lệ Giang.

Được sum họp ngày Tết cùng gia đình là một điều tuyệt vời, nhưng nếu phải đón Tết xa quê, mình cũng có nhiều cách để cái Tết một mình không còn đáng sợ”, nam giảng viên nói.

Thúy Nga

Ký ức ngày Tết của vị giáo sư người Việt nổi tiếng Vương quốc Anh

Ký ức ngày Tết của vị giáo sư người Việt nổi tiếng Vương quốc Anh

GS Dương Quang Trung – người vừa được Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh bổ nhiệm là Giám đốc Nghiên cứu dành cho VietNamNet một cuộc trò chuyện, về khoa học và những điều… ngoài khoa học.

Cuộc hội ngộ của nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường ở Thanh Hóa

Cuộc hội ngộ của nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường ở Thanh Hóa

Đôi bạn thân Minh Hiếu - Tất Minh với câu chuyện cổ tích về tình bạn và nghị lực đã gặp lại nhau ở quê nhà vào dịp Tết này. Cả 2 đã cùng đến thăm thầy giáo chủ nhiệm, và cùng nhau đi... cắt tóc.

Nữ sinh kể chuyện đón Tết một mình trong ký túc xá

Nữ sinh kể chuyện đón Tết một mình trong ký túc xá

Theo dự định, ngày 25 tháng Chạp, Cẩm Lan (sinh viên năm 2 của Trường ĐH Giao thông Vận tải) sẽ trở về Hải Dương đón Tết cùng gia đình. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến nữ sinh buộc phải ở lại Hà Nội, đón một cái Tết xa nhà.