Giá tăng kỷ lục ngoài dự báo
Thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2020 đạt 890.000 tấn (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019), giá trị xuất khẩu đạt 410 triệu USD (tăng 32,6%).
Đáng chú ý, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018. Đặc biệt, gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng thêm 30-40 USD/tấn, nhưng không có gạo để bán.
Trong nước, giá lúa gạo đang có chiều hướng tăng. Hiện các doanh nghiệp vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg.
Vụ lúa vừa qua nông dân trúng mùa, giá bán tăng cao |
Giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp là 5.400-6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000-5.200 đồng/kg.
Tại Hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 mới đây, ông Phạm Xuân Quế - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, chia sẻ, vựa lúa mới thu hoạch nông dân bội thu, xuất khẩu gạo cũng tăng trưởng rất tốt. Ngoài ra, sau Tết thị trường gạo sôi động, giá tăng mạnh và tăng đều ở các phân khúc, thời gian tăng giá nhanh ngoài dự báo. Giá gạo điều chỉnh tăng thay vì theo quý, giờ tăng theo tuần.
Lý do là bởi thị trường thế giới có sự điều chỉnh, các nước nhập khẩu nhập sớm. Trung Quốc trước đó chi phối thị trường châu Phi nhưng do dịch Covid-19 nên không kham nổi, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam.
“Có nhiều tín hiệu khả quan với ngành gạo, do đó xuất khẩu gạo năm 2020 có thể đạt trên 3 tỷ USD với sản lượng xuất khẩu 6,7 triệu tấn”, ông Quế chia sẻ.
Thế giới hụt cung, Việt Nam đẩy mạnh sản xuất
Báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020, Bộ NN-PTNT cho biết sản lượng lúa thu hoạch 6 tháng đầu năm (gồm toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước) dự kiến đạt 20,1 triệu tấn, trong đó các tỉnh phía Bắc 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam 13,2 triệu tấn.
Riêng 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ Hè Thu, Mùa, Thu Đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17,2 triệu tấn.
Báo cáo cũng nêu rõ, kế hoạch vụ Thu Đông năm 2020, toàn vùng ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750 nghìn ha. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lúa Thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu lại tăng 3,7 triệu tấn.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 có thể tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ. Chưa kể, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có dự kiến tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ.
Nguồn cung thế giới thiếu hụt, Bộ NN-PTNT thúc đẩy tăng diện tích gạo |
Do vậy, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu Đông lên khoảng 800 nghìn ha nếu có thể.
Trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ Thu Đông đảm bảo duy trì diện tích, năng suất và khung thời vụ thu hoạch tốt nhất để có thể sản xuất sớm vụ Đông Xuân 2020-2021.
Đề cập đến triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay, GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia ngành lúa gạo, nhận định, bức tranh xuất khẩu gạo của nước ta năm nay dự báo sẽ tốt, tăng cả lượng và giá.
GS. Võ Tòng Xuân phân tích, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới - chịu thiệt hại lớn do hạn mặn, sản lượng giảm gần 2 triệu tấn. Philippines, Indonesia đang thiếu gạo và phải nhập khẩu khối lượng rất lớn từ Việt Nam. Việt Nam cũng bị hạn mặn, song chỉ ảnh tới tới 28.000 ha lúa. Nhờ đó, nguồn cung gạo vẫn rất dồi dào, chưa kể hai vụ lúa liên tiếp vừa qua đều được mùa, sản lượng tăng mạnh.
Riêng về các giống lúa, Việt Nam có lợi thế sở hữu những giống lúa ngắn ngày, trồng cho thu hoạch nhanh, chất lượng gạo tốt. Thế nên, chúng ta có thể sản xuất 2-3 vụ/năm.
“Dù có 10 triệu ha diện tích trồng lúa nhưng Thái Lan lại rất sợ thế mạnh này của Việt Nam (khoảng hơn 3 triệu ha). Bởi họ trồng giống lúa dài ngày, chỉ canh tác được 1 vụ”, ông Xuân chia sẻ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo GS. Võ Tòng Xuân, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ tăng. Do vậy, gạo Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Chưa kể, so với hai đối thủ Thái Lan và Trung Quốc, giá gạo Việt xuất khẩu cạnh tranh hơn nên có thể giành lại thị phần ở những thị trường lớn.
Tâm An