Ứng phó dịch Covid-19 - ‘chất xúc tác’ đẩy mạnh chuyển đổi số
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, nhiều người mất việc làm, nhiều công ty phá sản…Tuy nhiên, xét ở góc độ tích cực, dịch Covid-19 lại thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo mô hình online và công nghệ hóa, buộc các doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
CNTT - nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến, giao hàng tận nơi…đã phát huy mạnh mẽ trong dịch bệnh. Thời gian qua, người dân thực hiện giao dịch trực tuyến triệt để. Các trang thương mại điện tử lớn ghi nhận số đơn đặt hàng cao. Lượng truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng tăng đột biến, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tháng 3/2020 tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2019 với hơn 23.000 giao dịch. Lưu lượng truy cập Internet tháng 3/2020 cũng tăng gấp đôi.
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 đang tạo ra một “cú hích” để khởi tạo cuộc sống số. Điều này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản suất, hiệu quả công việc cao lên, ngăn chặn dịch bệnh phát tán do tiếp xúc trực tiếp. Đây cũng là lý do, trong tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ đã ra Văn bản chỉ đạo về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ lớn đã tích cực hưởng ứng định hướng này từ khi Việt Nam tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Trong Liên minh chuyển đổi số Việt Nam, Viettel đã sớm đầu tư hạ tầng, công nghệ và xây dựng các nền tảng công nghệ số, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong thời điểm cấp bách giữa đại dịch.
Viettel - Doanh nghiệp quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Viettel đã khẳng định vai trò đi đầu khi nhanh chóng xây dựng các giải pháp CNTT-VT phục vụ công tác điều hành, xây dựng cơ sở dữ liệu hỗ trợ các hoạt động y tế phòng dịch.
Khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam, hệ thống cầu truyền hình kết nối Bộ Y tế đến 22 bệnh viện lớn đã được Viettel triển khai chỉ trong 1,5 ngày, giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cũng như Bộ Y tế thực hiện hoạt động điều hành thống nhất và hiệu quả xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Đường dây nóng của Bộ Y tế bị quá tải, hệ thống mới cũng ngay lập tức được Viettel triển khai trong 1 ngày, phục vụ miễn phí 400.000 khách hàng tìm hiểu thông tin về bệnh dịch. Công cụ Khai báo y tế triển khai tại 100% cửa khẩu được hoàn thiện trong 48 giờ, đảm bảo toàn bộ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ, hàng hải đều được kiểm soát y tế…
Khi học sinh toàn quốc phải tạm nghỉ học để phòng chống dịch, Viettel đã vận hành hệ thống nhà trường số, kết nối 43.000 trường học, hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở đào tạo đại học. Trước đó, từ năm 2014, Viettel đã hợp tác với Bộ GD&ĐT xây dựng hệ thống nhà trường số để đáp ứng xu hướng chuyển đổi số. Trước dịch Covid-19, Viettel đã kết nối hệ thống này đến gần 26.000 trường. Vậy nên khi xảy ra dịch Covid-19, Viettel chỉ cần mở rộng dung lượng đã có thể giúp các trường đảm bảo dạy và học trực tuyến.
Công cuộc chuyển đổi số đã sớm được thực hiện ở Viettel gồm 2 quá trình: chuyển đổi số việc quản trị nội bộ và tạo mô hình kinh doanh mới; Cung cấp các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ trong công cuộc xây dựng xã hội số.
Viettel đã tự phát triển và đưa vào sử dụng các hệ thống phân tích dữ liệu làm nền tảng cho việc quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh. Các hệ thống: Kho dữ liệu tập trung - Data Lake, Hệ thống thông tin điều hành - Enterprise Dashboard, Hệ thống hỗ trợ điều hành kinh doanh - GBOC; Hệ thống quản lý và triển khai các chương trình khuyến mại - Campaign Management; Hệ thống thông tin khách hàng Customer 360,… đã được Viettel triển khai phục vụ cho việc tự chuyển đổi số của chính mình.
Bên cạnh đó, Viettel tiên phong cung cấp các ứng dụng, các sản phẩm mới ra thị trường cho khách hàng với chất lượng cao, từng bước hoàn chỉnh Hệ sinh thái số.
Với khách hàng cá nhân, tập đoàn tiên phong thử nghiệm dịch vụ 5G tại Việt Nam và 4 thị trường nước ngoài (Lào, Campuchia, Myanmar và Peru), đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) và các nền tảng phát triển xã hội số tại TP.HCM; Triển khai ngân hàng số Viettelpay; Ra mắt dịch vụ gọi xe MyGo và nền tảng TMĐT Voso; Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ OTT Media (Mocha, Keeng, Myclip…) và Digital Marketing (VTAds, Reputa…); Triển khai xuyên suốt các hệ thống CNTT theo hướng thông minh hơn, tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng các công nghệ mới như Bigdata, AI, …bao gồm các hệ thống Quản lý và chăm sóc khách hàng, hệ thống phân tích dữ liệu thông minh...
Đóng góp cho Chính phủ, các bộ ban ngành, Viettel đã triển khai thành công Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Đây là công cụ quan trọng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam; Đưa vào hoạt động TTĐH thông minh SmartCity cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghiên cứu, triển khai các giải pháp tin học hóa nhằm hiện đại hóa ngành y tế, giáo dục, giao thông, trong đó đã hoàn thiện 20 sản phẩm trong hệ sinh thái y tế; 15 sản phẩm trong hệ sinh thái giáo dục…
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tập đoàn này đã phát triển sản phẩm mới như Hóa đơn điện tử, S-tracking, Voice Brandname, Digital Sale,…cải tiến các sản phẩm Viettel CA, SMS Brandname, V-tracking...
Với mục tiêu hoàn thành chiến lược chuyển đổi số, Viettel đang từng bước trở thành nhà tư vấn về chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội, phát triển các hệ sinh thái số phục vụ đời sống dân sinh với điều kiện đảm bảo an ninh mạng ở mức cao nhất. Tập đoàn cùng với cả nước đang tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển, xây dựng xã hội số, phát triển mạnh kinh tế số, sẵn sàng cùng cả nước bứt phá sau đại dịch Covid-19.
Ngọc Hân