Ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã chính thức công bố “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2018”.

Trong khuôn khổ hội thảo Ngày Internet Việt Nam – Internet Day 2018 được Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức hôm nay, ngày 5/12 tại Hà Nội, ông Trần Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã chính thức công bố “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2018”.

Ông Trần Minh Tân nhấn mạnh, tài nguyên Internet (tên miền, địa chỉ, số hiệu mạng) - tham số định danh, là thành phần quan trọng của hệ sinh thái số. Tài nguyên Internet hiện đại, hiệu quả là những thông số nền tảng cho sự phát triển dịch vụ của công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam, tài nguyên Internet song hành và là nhân tố góp phần tạo nên sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ tại Việt Nam.

Theo báo cáo, tính tới hết ngày 31/10/2018, đã có 460.412 tên miền “.VN” đang duy trì sử dụng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tên miền “.VN” được đăng ký mới năm 2018 là 119.737 tên.

Tên miền “.VN” có tỉ lệ tăng trưởng thực dương trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của tên miền quốc tế, gồm có tên miền cấp cao dùng chung mới (New gTLD). Nhiều ccTLD khác trong khu vực và trên thế giới suy giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

“Kể từ năm 2011, tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền. Năm 2018, ccTLD “.VN” tiếp tục giữ vị trí này và thuộc top 10 ccTLD có số lượng duy trì sử dụng lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân cho biết.

Về tên miền quốc tế, hiện có 51 Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, được Bộ TT&TT công bố tại địa chỉ website www.thongbaotenmien.vn. 

VNNIC cũng cho biết, theo quy định, khi đăng ký sử dụng tên miền quốc tế, chủ thể phải nộp hồ sơ đăng ký tên miền và cung cấp đầy đủ thông tin cho Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng xảy ra đối với tên miền quốc tế. Trong nhiều trường hợp không xác định được thông tin chủ thể.

Đối với tài nguyên số, Báo cáo tài nguyên Internet 2018 mới được VNNIC công bố cho thấy, điểm nổi bật nhất trong mảng này chính là sự bứt phá trong kết quả ứng dụng triển khai IPv6 của Việt Nam. Cụ thể, tính đến 20/11/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 21%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 7 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan và Canada.

Đáng chú ý, năm nay Việt Nam vượt qua Australia và New Zealand lên vị trí thứ 19 toàn cầu với hơn 11 triệu người sử dụng IPv6. Đây là số liệu được công bố bởi Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) và Cisco.

Báo cáo cũng cho hay, 3 doanh nghiệp tiêu biểu đang dẫn đầu về triển khai IPv6 tại Việt Nam là VNPT, Viettel và FPT Telecom. Năm 2018, Tập đoàn Viettel đã có sự tăng trưởng đột phá, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 13%. Tập đoàn VNPT dẫn đầu trong cung cấp dịch vụ IPv6, tỉ lệ đạt 29%. FPT Telecom là đơn đầu tiên cung cấp dịch vụ IPv6, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 24%. “IPv6 đã được ứng dụng trong dịch vụ di động 3G/4G tuy chưa nhiều”, đại diện VNNIC chia sẻ.

Về dịch vụ nội dung, FPT Online đã chuyển đổi hoạt động với IPv6 cho một trong những báo điện tử lớn là VnExpress.

Bên cạnh các kết quả đã thực hiện được, Việt Nam còn hạn chế về kết quả triển khai IPv6 trong mạng, dịch vụ của cơ quan nhà nước.

Cùng với đó, các cơ sở hạ tầng trọng yếu phục vụ cho hoạt động Internet Việt Nam như Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, mạng máy chủ tên miền quốc gia DNS trong năm qua tiếp tục được duy trì hoạt động tốt. VNIX có 20 thành viên kết nối, với tổng dung lượng kết nối đạt 269 Gbps.

Nhấn mạnh lưu lượng trao đổi qua VNIX không ngừng tăng trưởng, đại diện VNNIC thông tin, tính đến hết 31/10/2018, tổng lưu lượng đã trao đổi qua VNIX đạt 541.008 Tetabyte. Trong 10 tháng đầu năm nay, lưu lượng trao đổi qua VNIX là 61.048 Tetabyte.

Hệ thống VNIX được xây dựng tại 4 điểm TP. Hà Nội (Yên Hòa, Hòa Lạc), TP. Đà Nẵng và TP.HCM, trong đó tổng lưu lượng trao đổi qua các điểm tại Hà Nội chiếm 47,68%, TP.HCM chiếm 51,81% và Đà Nẵng chiếm 0,51%.

Mạng máy chủ tên miền quốc gia (DNS) có 7 cụm máy chủ gồm 5 trong nước, 2 nước ngoài với hơn 70 điểm trên toàn cầu; 5/7 cụm máy chủ hỗ trợ IPv6, phục vụ truy vấn tên miền quốc gia, quốc tế.