Nghị quyết của Chính phủ vừa được ban hành đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an “rà soát, sửa đổi” quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình để phù hợp với thực tiễn.
Yêu cầu “rà soát, sửa đổi” về các quy định PCCC đã liên tục được Thủ tướng, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong nhiều văn bản điều hành, hoặc kiến nghị.
Trong nỗ lực chung đó, VietNamNet đã có tuyến bài phản ánh những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nhằm khơi thông dòng chảy đầu tư, kinh doanh vốn đang khựng lại do suy giảm kinh tế.
Trước hết, cần nhìn nhận vấn đề PCCC phải được quan tâm đúng mức để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và doanh nghiệp sau những vụ cháy lớn, cháy nhỏ gần đây.
Cơ quan quản lý nhận định rất đúng khi cho rằng, nhiều công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu hoặc thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; tự ý thay đổi công năng, tính chất sử dụng so với thiết kế được duyệt, dẫn đến khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Song, các tiêu chuẩn, quy chuẩn khó đến mức doanh nghiệp phải tốn chi phí rất lớn, thậm chí không thể tuân thủ được là thực tế phải xử lý ngay.
Trước hết là công tác xây dựng hành lang pháp luật. Chỉ trong khoảng 18 tháng đã có tới 3 văn bản (*) quy định về các quy chuẩn trong hoạt động PCCC được ban hành với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung và thay thế. Các văn bản quy phạm pháp luật này lại không có thời gian chuyển tiếp, làm doanh nghiệp không thể nắm bắt, tuân thủ được.
Xin nêu một ví dụ về việc thực thi Danh mục dự án, công trình phải được cơ quan PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Trước thời điểm 10/01/2021, các cơ sở như nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà khách, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy có diện tích kinh doanh dưới 500 m2… không thuộc các Danh mục cơ sở phải thông báo về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy với cơ quan cảnh sát PCCC và Danh mục dự án, công trình phải được cơ quan này thẩm duyệt thiết kế về PCCC tại Phụ lục III và IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/7/2014.
Tuy nhiên, khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP về PCCC có hiệu lực từ ngày 10/01/2021, thì các cơ sở trên lại thuộc Danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng do Bộ Xây dựng và Bộ Công an mới ban hành.
Thực tế đã dẫn đến tình trạng, một số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không đáp ứng được yêu cầu và buộc phải tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Thêm vào đó Nghị định 136 nêu trên còn có các quy định, các công trình có hạng mục cải tạo, sửa chữa dù nhỏ vẫn phải xin cấp giấy phép thẩm duyệt thiết kế về PCCC, làm phát sinh chi phí không cần thiết đối với doanh nghiệp.
Ở các trường hợp khác, lại có quy chuẩn quy định cột, dầm thép nhà xưởng phải được bọc vật chống cháy bằng vật liệu rỗng như thạch cao. Tuy nhiên, khi bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép, hai loại này không đồng nhất khả năng chịu lực, chỉ cần va đập vào kết cấu thép thì bột thạch cao chống cháy hay lớp vữa chống cháy sẽ bong ra, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.
Lại có quy chuẩn quy định về khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình, mà nhiều doanh nghiệp cho rằng, các yêu cầu về khoảng cách là khá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
Tất nhiên, còn nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn khác mà VietNamNet đã phản ánh.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, để tuân thủ các quy định về PCCC, doanh nghiệp phải bỏ ra một chi phí khá lớn, và trong nhiều trường hợp không thuể tuân thủ được.
Thậm chí, có hiệp hội, doanh nghiệp nhận định, việc tuân thủ, đáp ứng 100% các quy định PCCC hiện nay rất khó khăn, dẫn đến nhiều tiêu cực và rủi ro cho doanh nghiệp.
Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ còn cho biết, cá cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tạm đình chỉ, ngừng hoạt động 1600 cơ sở vi phạm quy định PCCC. Ở Đồng Nai, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2022 các cơ quan cũng phát hiện 3000 sai phạm của 1600 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Chỉ mới 2 tỉnh mà có ngần ấy doanh nghiệp gặp khó khăn thì trên cấp độ toàn quốc, vấn đề sẽ như thế nào? Nhiều nhà đầu tư phản ánh chi phí tuân thủ PCCC sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam theo đánh giá của quốc tế.
Đây rõ ràng là vấn đề rất lớn mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiên quyết yêu cầu giải quyết, xử lý.
Hy vọng rằng, các cơ quan chức năng liên quan sẽ sớm “rà soát, sửa đổi” các văn bản này bởi doanh nghiệp không thể chờ đợi thêm quá lâu, để họ có thể đưa các nhà máy, nhà xưởng, các tòa nhà văn phòng vào sản xuất, kinh doanh.
Có lẽ, cần quay lại những quy định PCCC cũ mà cộng đồng doanh nghiệp và người dân và cả các cơ quan quản lý đã thực hiện lâu nay.
Tư Giang
(*) Thông tư 02/2021/TT-BXD về QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành ngày 19/5/2021.
Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau đó, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 06/2022/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình được ban hành để thay thế Thông tư 02/2021/TT-BXD và có hiệu lực từ ngày 16/01/2023, không hướng dẫn cho các công trình cần chuyển tiếp giữa 2 văn bản.
Bên cạnh đó, còn có Thông tư 123/2021/TT-BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về "Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy" của Bộ Công an ban hành ngày 28/12/2021.