Bộ mặt nông thôn đổi thay

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 28 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025.

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh có 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Thêm 35 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế toàn tỉnh có 82 xã đạt chuẩn). Thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí, bình quân cả tỉnh đạt trên 16 tiêu chí/xã. Có từ 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (khoảng 800 thôn)...

Giai đoạn 2021 – 2025, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hà Giang có nhiều thay đổi. 

Xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; 100% các huyện, xã, thôn đã thành lập, kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Ban quản lý xã, Ban phát triển thôn để lãnh đạo và triển khai xây dựng nông thôn mới với sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và phù hợp với điều kiện thực tiễn. 

Tổ chức ra quân phát động thi đua xây dựng nông thôn mới với trên 1.680 lượt, trên 108 nghìn người tham gia; vận động nhân dân hiến trên 166.000 m2 đất, trên 257.000 ngày công lao động và gần 23 tỷ đồng.

Với phương châm lồng ghép hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó lấy Chương trình xây dựng nông thôn mới làm trung tâm, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định về việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cho 52 xã (47 xã đã đạt chuẩn, 5 xã đạt dưới 15 tiêu chí) với tổng kinh phí trên 524 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 trên 282 tỷ đồng, năm 2023 trên 138 tỷ đồng. 

Đồng thời quyết định phân bổ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để thực hiện xây dựng nông thôn mới cho các huyện nghèo 30a và Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các huyện, xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể giai đoạn 2021 – 2023 trên 21.000 tỷ đồng, dư nợ đến cuối năm 2023 khoảng 13.400 tỷ đồng là động lực lớn cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Qua 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, bộ mặt nông thôn của tỉnh Hà Giang ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên. 

Đến nay, tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 123 xã đạt dưới 15 tiêu chí. Có 88 thôn đạt chuẩn nông thôn mới (37 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 51 thôn thuộc vùng I và II). 

Toàn tỉnh có 57/175 xã đạt Tiêu chí giao thông; 113/175 xã đạt Tiêu chí điện; 148/175 xã đạt Tiêu chí thủy lợi; 136/175 xã đạt Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 73,1% số xã hoàn thành Tiêu chí y tế; 83,4% số xã đạt Tiêu chí thông tin truyền thông; 59% số xã đạt Tiêu chí nhà ở dân cư; 72,6% xã hoàn thành Tiêu chí lao động; 71,4% xã đạt Tiêu chí giáo dục đào tạo...

Cần tháo gỡ những khó khăn

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu Nghị quyết số 28 chỉ đạt 27%; xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chỉ đạt 14,3% mục tiêu và số thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 4,6% mục tiêu. Chưa có xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguyên nhân khiến kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023 và sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 28 đạt thấp là do một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, 3 khó khăn lớn nhất là: Nguồn lực đầu tư hạn chế và giữa năm 2022 Trung ương mới phân bổ vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các tiêu chí nâng cao chưa phù hợp với đặc thù vùng miền và chỉ tiêu số thôn, xã cần hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở mức cao.

Theo tính toán, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 trên 8.766 tỷ đồng. Song, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới cả giai đoạn 2021 – 2025 chỉ trên 500 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến lồng ghép vốn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo khoảng 6.026 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh và xã hội hóa trên 2.207 tỷ đồng mới có thể đảm bảo nguồn lực. 

Tuy nhiên, việc lồng ghép vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn do quy định đối tượng thụ hưởng khác nhau. Trong khi đó, sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thống nhất; các hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương chậm.

Ngoài ra, Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 gồm 57 chỉ tiêu, tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 – 2020 và yêu cầu chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí cao hơn, nhất là 2 tiêu chí Hộ nghèo và Thu nhập. Để xã đạt chuẩn nông thôn mới, Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm cả hộ cận nghèo và hộ nghèo) yêu cầu dưới 13%; Tiêu chí thu nhập năm 2022 là 39 triệu đồng/người/năm và năm 2023 là 42 triệu đồng/người/năm. 

Đây là chỉ tiêu quá cao so với tình hình phát triển của Hà Giang nói riêng và phần lớn các địa phương miền núi biên giới phía Bắc nói chung, dẫn đến một số xã đã đạt chuẩn của giai đoạn trước hiện cũng không đạt được 2 tiêu chí này.

Đa phần các xã, thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khá. Mục tiêu hoàn thành thêm 35 xã, 800 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết số 28 là rất khó khăn do các xã còn lại và các thôn đều là vùng 3 – đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp, hạ tầng thiếu thốn, cần nguồn lực đầu tư nhiều và trong ngắn hạn khó có thể đạt các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo một cách bền vững.

Tháo gỡ những khó khăn trên, trước hết Trung ương cần hướng dẫn các địa phương lồng ghép nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng. Việc đề xuất mục tiêu và giao kế hoạch thực hiện của giai đoạn phải phù hợp với nguồn lực bố trí cho từng vùng. Với các địa phương đặc biệt khó khăn, Trung ương nên ưu tiên bố trí phần lớn ngân sách hỗ trợ… Các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và định hướng sự phát triển của từng vùng, từng khu vực.

Về phía tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương trong việc giám sát, hướng dẫn, đôn đốc triển khai, thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Theo dõi, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các xã trong quá trình thực hiện nông thôn mới để kịp thời tháo gỡ; phối hợp tham mưu thực hiện lồng ghép các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra…

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV