Bắt tay vào trồng cây mới khoảng 1,5 năm nhưng chị Võ Thị Ngọc Ánh (SN 1990, ở Quận 6, TP.HCM) đã khiến nhiều người chú ý với khu vườn sum suê trên sân thượng của gia đình.
Vốn đam mê trồng cây và thấy trên sân thượng nắng nóng, chị quyết định phủ xanh để có bóng mát. Chị vào các hội trồng cây trên mạng để học hỏi kinh nghiệm. “Tôi chọn trồng dưa vì gia đình thích ăn và loài cây này nhanh cho quả”, chị nói.
Một góc vườn trên sân thượng của chị Ngọc Ánh. |
Mới đầu, chị Ngọc Ánh mua hạt giống ở siêu thị và trồng khoảng 20 thùng xốp, tưới nước thủ công. Nhưng khi cho quả, chị thấy dưa ăn rất nhạt, chỉ dùng được để ép nước uống.
Bên cạnh đó, việc tưới nước thủ công khiến chị mất khá nhiều thời gian. “Sáng, tôi quần quật trên sân thượng để tưới nước, thụ phấn cho hoa… Trưa nắng, tôi còn từ chỗ làm chạy về nhà thụ phấn và bị gia đình la mắng vì quá “hành xác”, chị kể.
Sau đó, chị Ngọc Ánh quyết định tìm các giống dưa khác nhau (Việt Nam, Nhật, Hàn Quốc) để gieo hạt. Đồng thời, chị cũng thiết kế dàn để tiết kiệm diện tích và công sức lao động.
“Tôi tham khảo trên mạng, sau đó đo đạc và mua vật tư rồi nhờ chồng hỗ trợ lắp ráp. Do tự làm nên chi phí khá rẻ và chỉ trong khoảng 1 tuần, dàn để trồng cây đã được hoàn thành”.
“Nếu trồng cây ở thùng xốp, nước chảy ra sẽ thấm xuống nền sân thượng. Mấy vụ sau, nhờ có dàn treo, chúng tôi khắc phục được tình trạng này lại vừa tiết kiệm diện tích và thời gian tưới nước, bón phân. Vườn lúc nào cũng sạch sẽ, hệ thống giàn cao nhìn cũng đẹp mắt hơn”, chị nói thêm.
Hiện, khu vườn sân thượng của chị có hơn 100 chậu dưa các loại như dưa lưới ruột cam, dưa lưới ruột xanh, dưa hấu… Mỗi loại chị trồng 2, 3 hàng để ăn không bị ngán. Ngoài ra, chị còn chăm mấy chục chậu hoa hồng, ngô tím, khổ qua và cây ăn quả nho, táo…
Ngoài cây ăn quả, chị còn trồng rất nhiều hoa hồng. |
“Tôi thường dành 2 tiếng buổi sáng để chăm vườn. Đợt nào đến giai đoạn thụ phấn và treo quả, tôi phải dậy sớm hơn vì sợ không kịp giờ đi làm ở công ty”, chị nói.
“Vườn không có nhiều ong bướm và nhiều loại quả khác nhau nên sợ ong, bướm thụ phấn tùm lum nên tôi tự tay thụ phấn. Sau đó, tôi bọc để tránh ruồi vàng, rồi đến công đoạn treo trái…”.
Chị Ánh chia sẻ, về phân bón, mấy vụ đầu chị dùng phân hóa học. Sau đó, chị tìm hiểu cách trồng thuần hữu cơ. Hiện, chị tự ủ phân cá, phân chuối (cho quả ngọt), phân trứng sữa… Sau đó, chị cho chảy trên hệ thống tưới để cây thường xuyên được hấp thụ và tiết kiệm thời gian bón phân cho vườn.
“Tôi nghĩ vấn đề dinh dưỡng và cách chăm sóc sẽ quyết định kết quả. Dinh dưỡng cho cây từng giai đoạn cũng sẽ khác nhau”, chị nói.
Để có những trái dưa to đều tăm tắp, chị Ngọc Ánh có một bí quyết đó là tập trung thu phấn cho dưa khi cây đã phát triển được từ 10 - 12 nách lá, thường chỉ giữ lại một trái trên cây.
Đợt này là vụ chính nên chị trồng hơn 100 cây dưa, bình thường chị gieo khoảng 40, 50 cây.
“Cứ nửa tháng, tôi lại trồng giống dưa mới để có dưa ăn quanh năm. Tùy từng giống, khoảng 60 đến 90 ngày có thể cho thu hoạch”, chị nói.
Rau, quả thu hoạch từ khu vườn quá nhiều, gia đình ăn không hết, chị Ngọc Ánh lại mang đi biếu bạn bè, đồng nghiệp, người thân…
Cuối tuần, chị dành trọn thời gian cho khu vườn để nhổ cỏ, tổng vệ sinh. Chồng chị ủng hộ vợ trồng cây tuy nhiên khi thấy chị quá đam mê khu vườn, anh đùa: “Vợ quan tâm cây còn hơn cả chồng”.
“Anh muốn tôi trồng ít lại để có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi”, chị nói thêm.
Xem thêm hình ảnh khu vườn của chị Ngọc Ánh:
Khu vườn có đủ các loại dưa. |
Thành quả thu được sau mỗi vụ dưa. |
Chị Ngọc Ánh còn trồng thêm mấy chục gốc hồng |
Ngô tím |
và khổ qua. |
Ngọc Trang
Vườn cà chua đỏ rực 'vạn người mê' trên sân thượng Hải Phòng
Với 50m2 trên sân thượng, chị Hoàn đã tạo ra một khu vườn khiến không ít người phải mơ ước.