Kiều Bích Thuỷ sinh năm 1984 tại Hưng Yên, cử nhân Nghệ thuật - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Chị là tác giả tự do, chuyên viết mảng văn học nghệ thuật cho các báo Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Sức khỏe và Đời sống, Giáo dục và Thời đại. Sách đã xuất bản: Tả Phìn Hồ - Ngôi làng trong sương (NXB Ukiyoto, Canada, 2024)
Đọc vài trang đầu cuốn Vườn thiền mẹ Hiền, ai đó sẽ ngỡ mình là một học sinh đang mở số báo Hoa Học Trò mới nhất ra nghiến ngấu. Ngôn ngữ trong sách “teen” quá! Nhưng quan trọng hơn là rất “chậm” và “tình cảm”.
Càng đọc càng thấy Kiều Bích Thủy tựa như đôi mắt đang kể chuyện, tò mò nhìn ngắm, thắc mắc và rung động trước mọi thứ. Và đó là mọi thứ về mẹ.
Vườn thiền mẹ Hiền là tập “nhật ký” viết về mẹ và một phần gắn bó cốt tủy với mẹ là khu vườn. Mở sách ra là bước vào khu vườn ấy, thỉnh thoảng lật giở lung tung cũng vẫn lạc vào ngóc ngách nào đó của vườn.
Đó là một ngôi nhà, một khu vườn, một gia đình mà tác giả sẵn lòng chia sẻ với bạn đọc. Ngôi nhà ấy nằm ở quê hương Hưng Yên “bờ xôi ruộng mật”, như nhân vật người mẹ trong cuốn sách đã miêu tả. Đó cũng là ấn tượng xuyên suốt về “mẹ” và “khu vườn” trong cuốn sách: mẹ là “người làm vườn vĩ đại” khiến cho xứ sở xanh quanh nhà ngày ngày đơm hoa kết trái:
“Giàn lặc lè của mẹ mắn đến nỗi mẹ không biết khi nào chúng mới chịu ngừng đẻ. Sau hơn một tháng bội thu, lặc lè nhỏ dần nhưng vẫn sai trĩu trịt. Mỗi lần đi mót cũng gom được 2 vốc tay đầy, lại được bữa no. Tôi nghe mẹ mách nhiều quả thích chơi trốn tìm, nằm vắt ngang trên giàn nên mẹ không nhìn thấy. Ăn no nắng, uống no sương, chúng béo núc ních như lợn con rồi mới chịu ngả ánh cam, dần chuyển sang màu đỏ. Mẹ bảo, mấy quả này để làm giống cho năm sau.
Tranh thủ ngày nắng gắt, mẹ hái lặc lè chín đỏ, bổ ra, gạn lấy hạt đem phơi…”.
Góc nhìn của tác giả rất thú vị, là vì Kiều Bích Thủy - con gái út của mẹ, giờ đang ngắm nhìn mẹ khi đã trưởng thành. Có lẽ ít ai trong “người lớn” chúng ta còn được gần gũi và thành thơi ở bên mẹ như chị; cùng mẹ nấu nướng, chăm sóc khu vườn, trồng cây, làm sạch ao… Những công việc vừa đậm chất làng quê Việt Nam, vừa có tính thiền; không quá vất vả và lo nghĩ nhưng đủ để cơ thể năng hoạt động và khỏe khoắn.
Chủ đề sức khỏe được tác giả nhắc đến nhiều thông qua kiến thức về y học, nông nghiệp, khoa học và đặc biệt nhất là ẩm thực. Có nhiều đoạn trong sách làm người đọc không khỏi nhớ đến bữa cơm gia đình truyền thống của người Việt:
“Mấy khúc cá sau khi đã làm sạch được mẹ ‘xức’ thêm một ít xì dầu, một ít mắm, một ít nghệ, vài lát gừng, vài thìa tương. Với mẹ, loại tương này vô cùng đặc biệt. Đó là sản phẩm dì Hai tự làm theo công thức trứ danh của bà ngoại. Mỗi vụ làm tương, dì Hai cho nhà tôi vài chai, đủ dùng quanh năm. Thế mà lúc nào mẹ cũng lo hết tương. Hiếm khi mẹ rót tương ra chấm đậu hay chấm rau, mẹ bảo tương để dành kho cá.
Trong lúc chờ cá ngấm gia vị, mẹ ra vườn nhổ sả, hái khế. Bó sả được cắt làm đôi, phần củ mẹ để dành cho tôi pha trà, phần còn lại mẹ xếp dưới đáy nồi. Mẹ giải thích làm thế này vừa thơm vị sả mà thịt cá không bị cháy. Đúng là một chiến thuật thông minh”.
Thế mạnh của Kiều Bích Thủy là miêu tả sự vật rất sinh động, nhất là khi chị hướng cái nhìn của mình vào thiên nhiên. Chỉ một “cây cà chua mái vòm chóc chách quả”, mấy chiếc lá sung “xanh non múa may theo nhạc gió”, bông hoa mướp Nhật “trắng tí hon, cánh mỏng manh hệt như hoa bồ công anh”… cũng gợi nên nhiều cảm xúc, ngỡ như chị có thể trò chuyện với cây cỏ.
Tình yêu thiên nhiên ấy hẳn chị được kế thừa từ mẹ, người có tình yêu với muôn loài, đến mức có những hành động làm chị thấy “kỳ lạ” như “tưới nước canh cho cây bơ, cho luống xà lách uống sữa, cho hoa súng ăn lạc…”. Ngoài chăm lo cho đàn con cháu, mẹ chị cũng coi các cây trong vườn như con mình, lo lắng cho chúng khi trời nắng, trời mưa, khi ở xa. Nhờ vậy khu vườn trong cuốn sách không phải là mảnh đất vô tri, mà là một thực thể sống tương tác và thân thiết với con người.
Đây là cuốn sách dành cho những người muốn tìm đến một góc vườn an nhiên nhưng không kém phần hài hước và kịch tích, bởi con người và cây cỏ trong đó sống chân thành và biết yêu thương những điều tưởng như câm lặng: “Tôi ngước nhìn hai ‘ông thần’ nhãn. Lúc này trông họ không khác những người trở về từ cõi chết. Xác xơ và tơi tả, họ vẫn hiên ngang đứng gác hai bên đầu hồi. Nếu cây không giúp giảm tốc độ của gió, ngôi nhà còn bị thiệt hại nhiều hơn…”.
Vườn thiền mẹ Hiền thủ thỉ rằng khi con người biết trân trọng những điều giản dị và tự nhiên, khu vườn nhỏ sẽ biến thành vương quốc của trải nghiệm và cảm xúc, làm ta rung động và biết ơn cuộc sống.