Về xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội hỏi thăm “vườn sen ông Đẹp” ở cạnh chùa Đậu, chắc hẳn ai cũng biết.
Vườn sen độc đáo trên khoảng sân trước ngôi nhà cổ hơn 100 năm của gia đình ông Tạ Hồng Điệp (SN 1957) khiến ai bước vào cũng cảm nhận được không gian tĩnh lặng, tươi mát và yên bình.
Đam mê giống sen cung đình “nhả ngọc” độc đáo
“Từ bé tôi đã rất thích hoa sen. Tôi ao ước trồng sen trong chậu đặt ở sân trước nhà làm sao cho hoa sen gần nhất với cuộc sống của mình”, ông Điệp nhớ lại.
Trước đây ông Điệp từng sưu tầm trồng nhiều giống sen khác nhau như sen Đồng Tháp, sen quan âm, sen tứ thời… Nhưng kể từ một lần du lịch tới Huế năm 2012, ông bị những chậu sen cung đình nhỏ xinh hút hồn. Giống sen cổ đã được thuần hóa trồng trong chậu, rất phù hợp để trước hiên nhà.
Từ một nhánh sen cung đình xin được, ông đã nhân giống trồng trong chậu thành công. Và từ đó, ông Điệp đã biến khoảng sân rộng hàng chục mét vuông trước ngôi nhà cổ thành một vườn sen di động.
Trong một chậu sen cung đình có 2 - 3 bông hoa liền nhau nhưng lại có màu sắc và phom hoa khác hẳn nhau.
“Sen cung đình có hương thơm quyến rũ và vẻ đẹp khác lạ so với các loại sen khác. Bông hoa có nhiều cánh, hương thơm mát. Trong 1 vườn sen, các bông hoa đa dạng không bông nào giống bông nào từ màu sắc tới phom hoa, từ hồng đậm - hồng nhạt, tới trắng viền hồng, phớt hồng và đôi khi cả màu đỏ… Chúng biến đổi kì diệu khiến ta ngỡ ngàng”, ông Điệp say sưa nói về những bông hoa sen cung đình trong vườn nhà.
Hơn 10 năm trồng sen, ông Điệp nắm rõ được quy luật của loài hoa yêu thích. Vườn hoa sen của ông nở đẹp nhất từ 5h - 8h sáng và tuổi thọ mỗi bông hoa từ 3 - 5 ngày.
“Ngày đầu bông hoa nở hàm tiếu từ khoảng 5h - 8h sáng. Ngày thứ 2 hoa nở qua 12h trưa rồi lại khép cánh. Tới ngày thứ 3 hoa mới nở to và ngày thứ 4 thì không khép cánh lại nữa. Điểm đặc biệt của sen cung đình, đó chính là cánh hoa không rụng xuống mà tự khô trên đài hoa”, ông Điệp nói.
Ngoài vẻ đẹp và hương thơm, sen cung đình còn khiến ông Điệp say đắm bởi những đài sen nhả ra hạt ngọc xanh biếc. Mỗi hạt màu xanh ngọc phía trên đài sen lại có hình dáng khác nhau, không hạt nào giống hạt nào.
Sen cung đình trồng chậu có độ cao lá vừa phải, xòe ra cân đối với chậu. Không giống với các loại sen khác, lá sen cung đình xanh mướt, thơm hương và cuống lá có màu xanh chứ không đen.
Tình nguyện bị "giam lỏng" khi trồng sen cung đình
Trước đây ông Điệp từng trồng nhiều loại sen khác nhau, nhưng các loại kia trồng trong chậu lá cao vút, ít hoa. Chỉ có sen cung đình là khiến ông Điệp thấy mê đắm, sẵn sàng bị “giam lỏng” trong sân nhà mỗi khi bước vào mùa. Vì mê đắm hương sen nên cả ông Điệp và vợ đều không muốn đi đâu xa nhà.
Mỗi ngày, vợ chồng ông Điệp thưởng thức trà sen giữa vườn ngát hương. Cùng nhau thu hái lá sen tươi phơi trong bóng râm làm trà lá sen, thu cánh hoa phơi khô làm ruột gối.
Vào mùa xuân, tiết trời ấm áp, ông Điệp lại khệ nệ bê các chậu đựng củ sen giống ra sắp đặt trước sân nhà cổ hàng ngày ngắm nhìn sen nảy mầm, nở hoa. Khi sen tàn, ông lại bê cất chậu bùn chứa củ sen gọn vào góc vườn.
“Đó chính là lợi thế khi tôi trồng sen trong chậu. Vào mùa là tôi ưu tiên biến khoảng sân này thành vườn sen trên cạn, hết mùa lại cất chậu để ưu tiên cho các loại hoa khác”, ông Điệp nói.
Những chậu sen qua mùa ngủ đông được ông Điệp đảo lại bùn, tỉa bớt củ và bón phân lót nếu cần. “Sen không đòi hỏi quá nhiều chất dinh dưỡng nhưng mẫn cảm và ưa sạch. Trồng sen vất vả nhất là lúc làm bùn”, ông Điệp chia sẻ.
Sen cung đình là loại sen thuần Việt, chỉ mùa hè mới nở hoa. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ sau 2 tháng cấy củ là sẽ có hoa. Cuối tháng Giêng đầu tháng 2 âm lịch ông Điệp trồng thì đầu tháng 5 sân nhà đã có hoa thơm.
Hơn 10 năm trồng, ông Điệp phát hiện ra bùn ở mặt ruộng lúa là tốt nhất. Vì thế, mỗi khi cần bùn cho chậu sen, ông lại hì hục ra ruộng hớt từng gáo bùn mang về trồng. Trong những chậu sen, bao giờ ông Điệp cũng thả thêm những cánh bèo hoa dâu để làm sạch nước và cung cấp thêm đạm cho chậu sen.
Theo ông Điệp, bón phân cho cây sen trong chậu phải thật cẩn thận, tốt nhất dùng phân vi sinh. Khi sen lên lá đứng (vượt lên khỏi mặt nước) mới bón phân, nếu vẫn nằm trong nước sẽ dễ làm thối lá.
“Tôi thấy trồng sen trong các chậu nhỏ đường kính từ 50 - 80 cm là phù hợp nhất. Mực nước chỉ khoảng 20 - 30cm, hết nước lại tiếp thêm. Cây sen phát triển cân đối trong chậu. Khi sen nở hoa, tôi có thể căn chỉnh sắp đặt vị trí các chậu trong vườn để được hướng ngắm hoa đẹp nhất”, ông Điệp chia sẻ.
Theo ông Điệp, trồng sen cung đình trong chậu không hề có muỗi. Tuy nhiên, cây sen cũng có sâu bệnh. Vì trồng trong khuôn viên sân nhà nên ông Điệp không dùng hóa chất, chăm sóc hoàn toàn thủ công.
Mỗi sáng sớm, hai vợ chồng ông Điệp ra giữa vườn sen tập thể dục, hít hà hương sen và cùng nhau chăm sóc vườn. Hai người vạch từng chiếc lá, bắt từng con sâu, cái trứng. Có lẽ cảm nhận được tình yêu mà vợ chồng ông Điệp dành cho mình, những chậu sen luôn bung tỏa hương thơm ngát, những chiếc lá xanh mướt làm nên những ấm trà sen, trà lá sen ngọt thơm tinh khiết.
Còn gì tuyệt vời hơn khi mỗi sớm mai thức dậy, cùng người bạn đời ngồi thư thái bên ấm trà sen, cùng nhau chăm lo nhà cửa và hưởng thú vui tao nhã này.
Ảnh: Nhân vật cung cấp, Lam Giang