Người trồng quất ở Hội An lo là bởi trải qua một năm dịch bệnh Covid-19, chi phí họ bỏ ra cao nhưng giá quất không tăng, cộng với việc thương lái chưa đặt hàng khiến người dân như "ngồi trên đống lửa".

Đang xới đất quanh những gốc quất vừa mới trồng lại được 2 tháng, cô Nguyễn Thị Lan, thôn Bàu ốc (xã Cẩm Hà) thở dài, bởi năm nay cô trồng được 600 gốc quất đủ loại lớn, nhỏ nhưng do ngập nước chết đến 500 cây, 100 cây còn lại vẫn chưa thấy thương lái hỏi han.

Năm nay, giá quất vẫn như năm ngoái, chậu nhỏ từ 300.000-400.000 đồng/chậu, chậu lớn từ 1,1-1,5 triệu đồng/chậu.

{keywords}
Bà con tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam chuẩn bị vào vụ mùa thu hoạch Tết
{keywords}
Tuy nhiên, người dân vẫn hết sức lo lắng 

Cái khổ cho người dân nơi đây đó là giá thì giống năm ngoái nhưng chi phí lại cao hơn. Giá phân bón tăng gấp đôi, từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, rồi nhân công, chậu,... đều tăng so với năm trước, cô Lan nói.

Cô Lan năm nay đầu tư vào vườn quất khoảng 300 triệu đồng, đến thời điểm này, hy vọng duy nhất của cô là thu hồi đủ số vốn.

Khi vườn quất chết với số lượng lớn như vậy, cô chuyển sang trồng hơn 200 cây quất lấy trái bán. “Giờ kiếm đỡ đồng nào hay đồng đó, mỗi ký quất bán ở chợ cũng được 20.000 đồng rồi”.

Cách vườn của cô Lan vài chục mét, vườn quất của ông Nguyễn Luyến (58 tuổi, thôn Bàu Ốc) ổn hơn so với những gia đình trồng quất còn lại. Năm nay, ông Luyến đầu tư trồng khoảng 700 chậu quất lớn nhỏ, nhưng chết khoảng 200 chậu. Giá mỗi chậu tại vườn hiện dao động từ 500.000 đồng đến 3 triệu tùy loại.

{keywords}
Cô Lan đã chuyển sang trồng hơn 200 cây quất lấy trái bán sau khi bị chết 500 cây
{keywords}
Gia đình ông Luyến có kết quả ổn định hơn so với những hộ dân còn lại
{keywords}
Nói chung, người dân “thủ phủ” quất Hội An buồn bã vì chi phí cao nhưng giá không tăng

“Thương lái đã đặt cọc khoảng 40% quất tại vườn nhưng lại yêu cầu, nếu đến lúc nhận quất - khoảng giữa tháng 12 âm lịch, địa điểm thương lái tiêu thụ bị cách ly do dịch thì chúng tôi sẽ phải hoàn trả tiền cọc và thương lái sẽ không nhận hàng nữa”, ông Luyến lo lắng.

Bên cạnh đó, người dân còn trăn trở trước diễn biến thất thường của thời tiết. Trời lạnh, cây quất rất dễ phát sinh sâu bệnh, nhất là rầy vàng. Các chủ vườn phải tăng cường phun thuốc và theo dõi cây hàng ngày.

Hơn 15 năm hành nghề trồng quất, ông Luyến chia sẻ: “Chỉ cần một cơn mưa lớn, bão vào hoặc đợt sương muối thì trái sẽ rụng rất nhiều. Nghe dự báo sắp tới có bão nên các nhà vườn đang lo từng ngày, từng giờ”.

Anh Nguyễn Đức Thành (47 tuổi, xã Cẩm Hà) thì giảm đầu tư một nửa số quất so với năm trước, từ 300 chậu xuống còn 150 chậu. 

{keywords}
Anh Thành giảm số lượng quất từ 300 xuống còn 150 chậu so với năm ngoái
{keywords}
Chỉ có 150 cây nhưng anh Thành phải thuê đến 2 nhân công chăm bón

“Dịch dã nên tôi cũng không dám liều trồng quá nhiều, lỡ không bán được thì ôm nợ. Tôi năm nay trồng loại chậu nhỏ, giá khoảng 500.000 đồng/chậu và loại trung tầm 700.000 đồng/chậu. Năm ngoái, lời khoảng 100 triệu thì năm nay chắc tầm 50 triệu là cao lắm rồi. Tiền đó cũng chưa tính công chăm sóc, nói chung chỉ đủ vốn”, anh buồn bã.

Anh Thành thông tin thêm, để có một cây quất xuất bán rất vất vả từ việc trồng ngoài đất, vào chậu đến lúc bán ra thị trường kéo dài đến 3 năm trời.

Việc chăm sóc khó khăn không kém, trời mưa tưới ít nhưng đến lúc trời nắng mỗi ngày phải tưới đến 3 lần, rồi làm cỏ, phun thuốc giữ trái chín vừa để xuất bán.

Chút vớt vát của anh Thành là khoảng một tháng trước, có thương lái đến đặt cọc hết 150 chậu quất của gia đình. “Các thương lái đến từ Quảng Trị và Quảng Ngãi, họ đặt cọc mỗi người 10 triệu, hẹn ngày 16/12 âm lịch sẽ đến nhận hàng”.

{keywords}
Xã Cẩm Hà năm nay có hơn 400 hộ dân trồng quất bán Tết, với hơn 45 nghìn chậu lớn nhỏ
{keywords}
Nhiều hộ dân treo biển bán quất trước vườn nhà của mình

Xã Cẩm Hà được biết đến là một trong hai địa phương cạnh phường Thanh Hà (TP. Hội An) nổi tiếng với nghề trồng quất ở miền Trung. Tại đây, quất có số lượng lớn cũng như chất lượng tốt, cung cấp nguồn đầu vào cho các tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Thành Được, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho hay, năm nay xã có hơn 400 hộ dân trồng quất bán Tết Nguyên đán, với hơn 45 nghìn chậu lớn nhỏ, giảm hơn 20 nghìn chậu so với năm ngoái. Giá cả năm nay cũng không cao hơn.

Thời điểm này năm ngoái, hơn 40% số quất đã được thương lái đặt, năm nay con số này chỉ khoảng 30%. Các thương lái chủ yếu đến từ Quảng Ngãi, Gia Lai, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng”, ông Được thông tin.

TP đã có văn bản gửi đến các địa phương lân cận đề nghị hỗ trợ người dân trong quá trình thuê bãi, vận chuyển, di chuyển để tiêu thụ quất được thuận lợi.

Công Sáng

Tết năm ngoái, mua cây mai 300-500 triệu biếu sếp là chuyện thường

Tết năm ngoái, mua cây mai 300-500 triệu biếu sếp là chuyện thường

Mọi năm, khách mua cây mai giá 300-500 triệu biếu sếp là chuyện bình thường. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các chủ vườn mai buộc phải chạy đua chào bán hàng online, giảm giá hút khách.