- “Cái khói thuốc khó thở, nên bà con mình không hút mà ăn thuốc. Còn rượu thì tự ngâm ủ bằng men lá rừng để uống. Trên ni không ăn thuốc, không uống rượu làm răng chịu thấu cái lạnh. Mà ở đây chẳng có chi làm vui cái bụng ấm cái đầu bằng thuốc và rượu. Vì rứa nên chuyện ăn cái thuốc, nuốt cái rượu trở thành quen lâu rồi”- Già làng Hồ Văn Điều túc tắc kể cái chuyện ăn thuốc, nuốt rượu của bà con Xê Đăng nơi miền rừng thẳm Trà Linh…

Uống rượu thay nước

Vượt qua 3 con dốc tôi đặt chân vào thôn 3 xã Trà Linh, nơi trồng sâm nổi tiếng của Việt Nam.

Quán hàng tạp hóa của vợ chồng anh Chiến chị Lương quê gốc huyện Thăng Bình lên buôn bán mấy chục năm nay mới 3 giờ chiều đã tấp nập từng nhóm thanh niên đến uống rượu sau một ngày đi rẫy về.

 

{keywords}
 
 Thuốc Cá C’râu của bà con Xê Đăng dùng để ăn hàng ngày chống lạnh
 

 

{keywords}
 
 Thuốc lá được phơi khô, xâu thành từng bó đem treo gác bếp dùng để chế biến Cá C’râu của bà con Xê Đăng Ngọc Linh.
 

Ca rượu 2 lít được chị Lương mang ra cho 3 chàng thanh niên ngồi nơi cửa quán chưa đầy 10 phút cạn trơ đáy. Một ca 2 lít khác được mang ra và cũng chừng ấy thời gian cạn sạch. Cả 3 đứng dậy bảo: Cho ký nợ và lặng lẽ đi về.

Hồ Văn Dũng, người làng thôn 3 Trà Linh cùng với 3 thanh niên ghé lại quán chị Lương gọi rượu, cũng với cách uống rót ra ly nhựa và cứ thế uống ừng ực như uống nước.

Hỏi Dũng uống rượu như thế không say à? Dũng bảo: “Uống như rứa quen rồi, ở trên ni ai cũng uống như rứa mà, có say chi mô!”

Dũng kể, mỗi sáng lên vườn sâm, mỗi người mang theo 2 lít rượu, vừa làm, vừa uống thay nước. “Có cái rượu đỡ lạnh và làm mạnh hơn à. Lúc mô thấy mệt, hái cái lá sâm nhai là khỏe ngay.”-Dũng kể.

 Ai cũng bảo ở miền rừng Ngọc Linh này cơm có thể thiếu chứ rượu với Cá C’râu (thuốc lá) thì không thể thiếu. Nhìn cảnh bà con uống rượu nhẹ nhàng như uống nước, tôi hỏi nhỏ một thanh niên ngồi cạnh: Uống vậy không say à?

 

{keywords}
 
Cây thuốc lá được người Xê Đăng trồng trên nương rẫy để chế biến Cá C’râu

Chàng thanh niên bảo: “Say là say thế nào, quen rồi”.- Hỏi uống như vậy có sợ bị bệnh không?- “Hồi xưa đến chừ chẳn thấy ai bệnh chi cả.

Hỏi bí quyết uống rượu như nước lại không say? Các cụ già đều bảo chẳng có bí quyết chi. Trên ni trời lạnh uống cho ấm nên lâu say. Hỏi say rượu mai làm sao đi rẫy? Tất cả đều cười bí hiểm và bảo: Lo chi, lên rẫy hái cái lá nhai là khỏe ngay ấy mà.

Chuyện uống rượu như uống nước nơi đỉnh trời Ngọc Linh là vậy. Uống say thì ngủ, mệt thì mai lên rẫy hái lá sâm Ngọc Linh nhai là khỏe trở lại.

Ăn thuốc thay cơm

“Ở trên ni cơm có thể thiếu chứ thuốc thì không. Để có thuốc ăn quanh năm nên phải trồng trên rẫy, chỗ mô đất trống thì trồng. Thuốc lá trở thành món ăn hàng ngày”- cụ Hồ Thị Địa, nóc Ka Pin, thôn 2, xã Trà Linh kể.

Loại thuốc để ăn thay cơm theo tiếng Xê Đăng là Cá C’râu. Cá C’râu được chế biến từ lá của cây thuốc. Sau khi lá cây thuốc lá được thu hái đem về nhà phơi khô, xâu lại từng chùm đem treo trên gác bếp.

Mỗi khi cần thuốc để ăn, bà con Xê Đăng đem lá thuốc giả nhỏ thành bột bỏ vào lọ để ăn dần. Đó là món Cá C’râu. Mỗi khi thèm thuốc, họ đổ thứ bột thuốc lá nghiền nhỏ ra lòng bàn tay và bốc ăn dần.

Thấy khách lạ, cụ Địa mời vào nhà và lôi từ trong túi áo ra ống nứa nhỏ ngửa bàn tay sần sùi vẹo vọ chai sần thứ bột màu xanh được giả nhỏ và mời ăn Cá C’râu. Hỏi có phải thuốc lá mà bà con Xê Đăng thường ăn hàng ngày?

 

{keywords}
 
Cụ Hồ Thị Địa ăn Cá C’râu hàng ngày

Cụ Địa gật đầu bảo: “Bà con Xê Đăng mình không hút cái thuốc lá như người kinh dưới xuôi, bởi cái khói khó thở, tức cái ngực. Nên bà con mình không hút mà ăn cái thuốc gọi là Cá C’râu để chống cái lạnh”.

Ngửa lòng bàn tay, cụ Địa đổ thứ bột màu xanh và thong thả đưa tay còn lại bốc từng hạt thuốc cho vào miệng nhai ngon lành và mời tôi nếm thử món Cá C’râu. Nhón tay bốc chút bột thuốc màu xanh đưa lên mũi nghe mùi hăng hắc của thuốc lá. Bỏ vào miệng nhai nghe vị đắng chát nồng cay.

Trong phút chốc, vị thuốc ngấm cồn cào ruột gan và mặt tôi nóng ran bởi thứ thuốc Cá C’râu của cụ Địa mời. Người nóng bừng bừng, như xóa tan cái lạnh cong cóng nơi miền rừng trên đình Ngọc Linh.

Hỏi cụ Địa bao nhiêu tuổi, cụ lắc đầu bảo: Không nhớ. Cụ chỉ nhớ mình đến nay đã qua hơn 80 mùa rẫy. “Cái Cá C’râu ở vùng rừng núi Ngọc Linh từ già đến trẻ ai cũng biết chế biến để ăn. Hồi còn nhỏ mình đã biết làm cái thuốc và ăn Cá C’râu.”-Cụ Địa kể.

Hỏi tập tục ăn thuốc có từ bao giờ? Cụ Địa cũng như nhiều người già ở xã Trà Linh lắc đầu bảo không nhớ. Họ chỉ biết rằng mỗi đứa trẻ của làng trên núi Ngọc Linh khi sinh ra và lớn lên đều được cha mẹ chỉ dạy cho cách trồng thuốc lá và cách chế biến Cá C’râu để ăn ngay từ nhỏ để chống lại bệnh đau răng và cái lạnh nơi miền rừng này.

“Ăn Cá C’râu đã trở thành tập tục truyền từ đời này sang đời khác của bà con mình trên ni rồi. Nó giống như người kinh dưới xuôi ăn trầu, hút thuốc”-Già làng Hồ Văn Điều giải thích.

 

{keywords}
 
Bà con Xê Đăng trên đỉnh ngọc Linh uống rượu như uống nước
 

Cụ Địa có cả thảy 9 người con đã dựng vợ gả chồng và có 30 đứa cháu tất cả đều ăn Cá C’râu. Để có Cá C’râu ăn hàng ngày, đại gia đình cụ Địa đều trồng cây thuốc lá trên rẫy, trong rừng, quanh nhà, nơi nào có đất trống là trồng cây thuốc lá để chế biến Cá C’râu ăn hàng ngày.

“Gạo có thể thiếu, nhưng cái thuốc Cá C’râu thì không thể thiếu. Mỗi ngày mình ăn hết 2 lá thuốc giả thành bột nên không thấy lạnh”- Cụ Địa kể.

Hôm lên Trà Linh vào buổi chiều trời lạnh cong cóng khiến phóng viên rét run, nhưng cụ Địa vẫn áo quần phong phanh nhưng không hề kêu lạnh.

“Không uống rượu, không ăn Cá C’râu là không thực cái bụng với bà con miền rừng Trà Linh”- Thầy giáo Nguyễn Hiệu, trường Tiểu học Trà Linh, người hơn 15 năm bám trụ vùng đất này bảo với tôi như vậy.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào miền cao thì nên bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, với những phong tục lạc hậu như chuyện uống rượu như nước hay ăn thuốc của một số làng đồng bào vùng cao cần phải được các cơ quan chức năng và đoàn thể tại địa phương vận động bà con hạn chế uống rượu và ăn thuốc. Bởi thói quen này rất nguy hại cho sức khỏe. Rượu, và thuốc lá tác nhân gây ra các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư.

Mới đây, tại xã vùng cao huyện Phước Sơn một ổ dịch bạch hầu xuất hiện gây chết người mà nguyên nhân của nó là do hủ tục lạc hậu. Mỗi khi đau ốm bà con không đến bệnh viện khám và điều trị mà thường mổ trâu, bò và mời thầy về nhà cúng. Vì thế dịch bệnh lây lan mạnh. Đến khi ngành y tế vào cuộc quyết liệt và triển khai tiêm phòng cùng các biện pháp y tế mới dập được ổ dịch-Ông Hai nói.

Ông Hai đưa ra cảnh báo: Những tập tục uống rượu như nước và ăn thuốc của một số làng bà con Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh cần phải sớm được xóa bỏ. Nếu không thì sẽ rất nguy hại cho sức khỏe. Mặc dù bà con ở vùng Ngọc Linh luôn sử dụng cây thuốc dấu-Sâm Ngọc Linh như loại thuốc bổ để giải rượu. Nhưng dùng sâm không đúng cách cũng như uống rượu nhiều và ăn thuốc là thói quen nguy hiểm cho sức khỏe.

Vũ Trung