Vùng đất Yên Châu (tỉnh Sơn La) được thiên nhiên ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với cây mận hậu. Toàn huyện có trên 4.000 ha trồng mận.
Mận hậu Yên Châu nổi tiếng chất lượng quả mọng, giòn ngọt pha một chút chua không quá gắt, đậm vị, phấn dày và khi quả chín có màu tím thẫm.
Từ Quốc lộ 6 rẽ vào ngã ba Tà Làng đi theo đường tỉnh 103 gần 15km, thủ phủ của mận hậu Yên Châu - xã Lóng Phiêng dần hiện lên với màu xanh bạt ngàn của cây lá, lấp ló màu đỏ tím của mận đang đến mùa thu hái.
Nằm trên mực nước biển hơn 1000m, khí hậu xã Lóng Phiêng mát lạnh trong lành, những gốc mận hậu hàng chục năm tuổi được cắt tỉa cẩn thận từng hàng thẳng tắp.
Những năm gần đây, người dân xã Lóng Phiêng đã áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tự động, bớt công chăm sóc, cùng với đó việc thu hoạch rải vụ cũng là phương pháp đặc biệt đang được áp dụng nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Sản, xã Lóng Phiêng, chỉ vào khu vườn có hơn 100 gốc mận trên 10 năm tuổi, vui mừng cho biết: “Cây mận trồng càng lâu thì quả ăn càng ngon. Vườn mận nhà tôi đa số là các gốc mận trên 10 năm tuổi. Dù hơn 1 tháng nữa mới vào chính vụ nhưng mận nhà tôi đã cho thu hoạch từ tháng Giêng, giá trung bình trên 100.000 đồng/kg. Từ đầu năm tôi đã thu hoạch được trên 10 tấn, thu nhập trên 1 tỷ đồng".
Nhờ kĩ thuật thu hoạch rải vụ nên thời gian thu hoạch mận kéo dài hơn, vừa được giá vừa không bị áp lực thu hoạch tránh được việc được mùa lại mất giá.
Gia đình chị Lê Thị Vui, xã Lóng Phiên, có trên 1.000 gốc mận. Những ngày này, chị Vui bận rộn hơn vì mận vào vụ thu hoạch.
Chị chia sẻ: “Trồng mận cũng vất vả lắm. Cây mận bắt buộc có nước thì năng suất mới cao và quả mới ngon. Nhà mình cũng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt dẫn đến từng gốc cây để cây mận nào cũng đủ nước".
Ngoài ra, theo chị Vui, cây mận cần được chăm sóc kỹ càng, dùng biện pháp hạ cành, tỉa tán để cho ra những trái mận có chất lượng cao nhất.
Chị Vui chia sẻ, mận Lóng Phiêng loại 20 quả/kg bán được với giá 100.000-120.000 đồng/kg, vào lúc cao điểm, giá mận có thể lên đến 180.000 đồng/kg.
"Vườn mận này nhà mình có 37 gốc thu hoạch được gần 1 tấn. Mận ở Lóng Phiêng có điểm đặc biệt là khi chín quả màu tím thẫm, to, giòn, ngọt và phấn dày, khác hẳn với giống mận hậu ở nơi khác", chị Vui nói.
Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, thông tin: “Người dân xã Lóng Phiêng đã áp dụng công nghệ tưới tự động nhỏ giọt cho cây mận từ năm 2019, đến năm 2021 thì phát triển đại trà công nghệ này".
Theo ông Quang, chất lượng và mẫu mã của mận Lóng Phiêng khó có nơi nào bì kịp bởi được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây mận.
Từ ngày chuyển đổi cây trồng, từ trồng ngô, sắn sang cây ăn quả là mận và nhãn thu nhập của người dân đã thay đổi rõ rệt, qua từng năm.
Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Châu, cho hay: “Hiện tại, Yên Châu có 4 xã trọng điểm về cây mận, diện tích trồng khoảng 4.000 ha, nếu thời tiết thuận lợi dự kiến cho sản lượng khoảng 40.000-50.000 tấn, giá trị ước đạt khoảng 600-700 tỷ đồng.
Tại Yên Châu, mỗi 1ha, người dân trồng khoảng 300-400 gốc mận, năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha, cá biệt có những hộ đạt năng suất 20-30 tấn/ha.
Ông Cao Xuân Dũng nhận xét, ngoài điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thì những người trồng mận ở đây có rất nhiều kinh nghiệm và hiểu cây mận, nhờ đó sản phẩm đầu ra chất lượng đồng đều, có vị khác hẳn những nơi trồng mận khác ở Sơn La.
Năm 2023, giá trị thu được từ cây ăn quả của Yên Châu là gần 900 tỷ đồng và cây mận góp khoảng 50-60%.