Rời bến là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Vùng Cảnh sát biển 4 đảm nhiệm quản lý vùng biển Tây Nam Tổ quốc, có phạm vi khoảng 150.000 km2, từ bờ Bắc Cửa Định An (tỉnh Trà Vinh) đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Quản lý vùng biển rộng, nhiều quần đảo và hệ thống cửa sông, lạch, ranh giới biển tiếp giáp với nhiều nước xung quanh, trong đó có nhiều vùng chồng lấn. Bên cạnh đó còn có tuyến hàng hải quốc tế sôi động, thông thương giữa các nước trong khu vực, thường xuyên có nhiều tàu thuyền trong nước và quốc tế hoạt động nên tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Vùng biển mà BTL Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý có nhiều diễn biến phức tạp, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, khai thác, thăm dò,…hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng tăng. Vì vậy trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn gian lận thương mại và tội phạm ma túy trên biển, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện tốt phương châm “lấy pháp luật làm nền tảng, công tác trinh sát làm mũi nhọn”.
Cán bộ chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4 đều xác định tốt tư tưởng rời bến là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. |
Đại úy Trần Xuân Đôn, Thuyền trưởng tàu CSB4039, Hải đoàn 42 chia sẻ: thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển nhạy cảm, nên bất kể ngày nắng hay mưa, trong mọi điều kiện thời tiết, CBCS tàu CSB4039 luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng nhận lệnh ra khơi. Công việc đặc thù nên mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, anh em cũng lênh đênh trên biển từ 30 đến 50 ngày. Song dù khó khăn, vất vả đến đâu, CBCS đều xác định tốt tư tưởng rời bến là phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong nhân dân, nhất là ngư dân.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng xác định đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chương trình, nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo và những kiến thức pháp luật cơ bản về biển, đảo của Việt Nam, quốc tế và các nước có liên quan, trọng tâm là các đối tượng: ngư dân, giáo viên, học sinh, sinh viên vùng ven biển, hải đảo. Nội dung truyên truyền, tập trung vào các vấn đề: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Thủy sản; Luật phòng, chống tội phạm ma túy; các quy định của pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Đồng thời, truyền tải những thông tin chính thống về tình hình chủ quyền biển, đảo và chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước ta về biển, đảo. Để đạt hiệu quả, Vùng đã vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp phù hợp với từng đối tượng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trực tiếp hoặc thông qua các cuộc thi để giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Từ năm 2017 đến nay, Vùng đã tổ chức 10 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”; 13 đợt tập trung tuyên truyền cho trên 5.000 lượt chủ tàu cá, ngư dân, giáo viên, học sinh, sinh viên ở khu vực biên giới biển; tuyên truyền trực tiếp trên biển cho hơn 2.500 lượt phương tiện với trên 15.000 thuyền viên, phát hơn 25.000 tờ rơi, 1.800 sách và tài liệu tuyên truyền. Qua đó, nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật cho ngư dân và nhân dân trên các địa bàn ven biển, đảo, được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các địa phương trên địa bàn đánh giá cao.
Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý cho ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản ở các vùng biển giáp ranh với nước ngoài, công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển được cán bộ, chiến sĩ của Vùng xác định là “nhiệm vụ chiến đấu” trong thời bình, “mệnh lệnh từ trái tim” Người chiến sĩ Cảnh sát biển. Do đó, trong bất kỳ điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão trên các vùng biển, nhất là ở các đảo xa bờ, khi ngư dân gặp sự cố cần sự hỗ trợ thì cán bộ, chiến sĩ của Vùng đều có mặt kịp thời để giúp đỡ, cứu trợ.
Từ năm 2017 đến nay, Vùng đã cứu hộ, cứu nạn thành công 33 vụ, với 12 phương tiện, sơ, cấp cứu 99 người; huy động 60 lượt cán bộ, chiến sĩ, 04 phương tiện tham gia khắc phục hậu quả do lũ, lụt gây ra trên địa bàn thành phố đảo Phú Quốc.
Trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, mặn xâm nhập kéo dài và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Vùng đã tích cực, chủ động giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, chung tay phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Vùng 5 Hải quân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau để nắm tình hình; tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép bằng đường biển.
Thời gian qua, Vùng đã phát hiện, bắt giữ và bàn giao 03 vụ, 05 tàu với 12 thuyền viên nhập cảnh trái phép từ Campuchia bằng đường biển; tổ chức quyên góp, ủng hộ 33 triệu đồng vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; tặng trên 16.000 khẩu trang, 450 chai nước rửa tay sát khuẩn, phát 800 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19. Trao tặng 560 suất quà trị giá 560 triệu đồng và 13 tấn gạo cho các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Cung cấp kịp thời 140 m3 nước ngọt, 50 bình nước lọc dung tích 20 lít, 10 bồn chứa nước dung tích 120 lít cho nhân dân ở vùng bị hạn hán, mặn xâm nhập.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Vùng tích cực giúp nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các hoạt động nổi bật, như: “Ngày vì môi trường Phú Quốc”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh”, tham gia vệ sinh môi trường biển, tu sửa và nạo vét hệ thống kênh, mương.
Cán bộ, chiến sĩ của Vùng đã phối hợp với đoàn thanh niên các địa phương tổ chức 13 đợt phát động, dọn vệ sinh môi trường biển, thu gom và xử lý hơn 50 tấn rác thải các loại; xây dựng 15 km đường giao thông với trên 10 nghìn ngày công; trồng 200 cây xanh trong dịp hưởng ứng Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh” giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổ chức vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia đóng góp, ủng hộ hơn 01 tỷ đồng và 70 tấn xi măng giúp các địa phương củng cố các công trình công cộng. Hỗ trợ xây dựng 04 nhà “Tình nghĩa” trị giá 230 triệu đồng, tặng 01 nhà Đại đoàn kết trị giá 60 triệu đồng cho ngư dân.
Những nội dung trọng tâm trong thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” nêu trên, đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Quyết Thắng - Ảnh Nguyễn Liên