- Năm 2016, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng ấn tượng và ghi nhận xuất siêu trở lại. Có sự thăng hoa này phần lớn là nhờ khối doanh nghiệp FDI. Song, từ con số thống kê này đã đến lúc phải nhìn vào thực tế, thực lực của mình.

Xuất khẩu của nước ta năm qua tăng 8,6%, cao hơn mức tăng của năm 2015 (8,1%). Cán cân thương mại “xuất sắc” ngắt mạch nhập siêu vào năm 2015, tiếp đà xuất siêu năm 2014 và vượt mục tiêu (nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu).

FDI - được và chưa được

Là lối ra của nền kinh tế, nếu xuất khẩu của Việt Nam thực sự sáng như vậy thì đã có một bức tranh kinh tế khác. Song ngược lại, năm 2016, GDP đã không đạt mục tiêu tăng trưởng (đạt 6,21%), thấp hơn con số 6,68% của năm ngoái.

Đúng ra, nếu một nước xuất siêu - bất luận với trị giá thế nào - sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và lan truyền đến các lĩnh vực tài chính, tiền tệ quốc gia,... Nhưng đáng tiếc, từ thu nhập quốc dân đến cân đối ngân sách, nợ nần trong năm 2016 đều ngược chiều tới mức lo ngại.

Có hai thành phần tham gia xuất khẩu chính là khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Từ ngày khối FDI xuất khẩu hàng sản xuất từ Việt Nam không những làm cho xuất khẩu của nước ta “lột xác” mà cán cân thương mại cũng đẹp, không phải tới 2014 mới có thặng dư mà 2012 đã xuất siêu.

{keywords}

Năm 2016, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng ấn tượng và ghi nhận xuất siêu trở lại.

Sau khi tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vượt qua mốc 10 tỷ USD vào năm 1988, thời gian tăng lên mốc 50 tỷ USD rồi 100 tỷ USD được rút ngắn. Đó chủ yếu là do quy mô khối doanh nghiệp FDI tăng rất nhanh, với tỷ trọng từ vài phần trăm năm đầu tiên, tới nay chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Các DN đến từ nước ngoài đã đóng góp phần lớn kim ngạch, thường tăng với tốc độ cao hơn mức tăng chung của xuất khẩu, quyết định duy trì đà tăng trưởng xuát khẩu.

Giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng trưởng về xuất khẩu là 17,6%/năm, nhỉnh hơn 5 năm trước 2006-2010 (tăng 17,3%), cao hơn cả mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (tăng 12%/năm).

Hai năm qua, Việt Nam có 23 mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Điện thoại ngay năm đầu tiên xuất hiện trong danh mục mặt hàng xuất khẩu chủ lực (2011) đã đạt 6,4 tỷ USD, ngang bằng với giày dép, liền năm sau vọt lên gấp đôi, bỏ xa giày dép, vượt dầu thô, dệt may và đứng đầu xuất khẩu với 34,5 tỷ USD trong năm 2016.

Thị trường xuất khẩu được mở ra choáng ngợp, quy mô lớn. Tuy nhiên, những thị trường xuất khẩu trọng điểm chủ yếu dựa vào hàng hóa của khối FDI.

Nhờ FDI mà Bình Dương, Đồng Nai “mở mày mở mặt”. Khi hãng Honda vào Vĩnh Phúc, địa phương này cũng “lên đời”. Tới lúc Samsung xây nhà máy điện thoại tại Bắc Ninh rồi Thái Nguyên, lặp lại kịch bản cũ của các địa phương nổi đình đám hồi đầu. Trên đường đua xuất khẩu, Bắc Ninh, Thái Nguyên từ vạch xuất phát thấp bỗng tăng tốc vọt lên thứ 2, thứ 3 trong cả nước, bám sát vị trí số 1- TP.HCM.

Một trong những động lực để các doanh nghiệp FDI bứt phá là nhờ được “trải thảm đỏ”, mà DN nội địa cũng phải ao ước. Không chỉ chính sách chung, để đón bằng được nhà đầu tư FDI về, mỗi địa phương lại ganh đua ưu đãi.

Tuy nhiên, đằng sau bức tranh đó là mặt tiêu cực của khối doanh nghiệp FDI. DN ngoại xuất khẩu hàng do họ lắp ráp, gia công, không hề chế tạo tại Việt Nam. Cách làm “ăn xổi” đó không thể gọi là chuyển giao công nghệ cao cho Việt Nam. Họ định đoạt về thị trường đầu vào cũng như đầu ra, giá cả và tuyệt mật về lợi nhuận, thậm chí còn kêu lỗ để chuyển giá.

Trông người nghĩ đến ta

Có thể nhận ra ngay thể trạng của khối DN nội qua bảng số liệu dưới đây:

{keywords}

Có thể thấy rằng, qua số liệu xuất khẩu của Việt Nam, khối FDI luôn xuất siêu, ngược lại khối DN nội luôn nhập siêu. Xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD từ năm 2012 (114,5 tỷ USD), song đến năm 2016, khối nội “không chịu lớn” chỉ đạt đúng 50 tỷ USD. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Xin xem biểu số sau:

{keywords}

Tỷ trọng của khối DN nội trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước teo dần hàng năm, với tốc độ tăng khiêm tốn, thời điểm nào cũng thấp hơn mức tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung, thậm chí có thời điểm còn âm. Dĩ nhiên, luôn kém xa khối FDI. Năm 2016 cũng không ngoại lệ. Xuất khẩu của khối DN nội chỉ tăng 4,8%, trong khi mức tăng chung là 8,6% và khối FDI tăng 10,2%.

Soi vào các thị trường và hàng hóa cũng lý giải được việc nhập siêu của khối DN nội. Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 49 tỷ USD, trong khi chỉ xuất khẩu 21 tỷ USD, chủ yếu nhập nguyên nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu cùng với khá nhiều vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngược lại, xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông lâm thủy sản, khoáng sản thô. Chênh lệch về trị giá giữa hai luồng hàng hóa này lộ ra nhập siêu của khối DN nội.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, từ xuất khẩu giờ cũng quay sang nhập khẩu. Than đá, dầu thô, xuất khẩu sa sút nhưng nhập khẩu lại tăng. Xuất khẩu của nhóm nông lâm thủy sản năm 2016 tăng 7,5% (thấp hơn mức tăng xuất khẩu chung) nhưng cũng nhập về nguyên liệu nông - lâm thủy sản, rồi vật tư. Chưa kể, Việt Nam còn chi nhiều tỷ đô la nhập 115.000 ô tô nguyên chiếc.

Rõ ràng, năm 2016, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng ấn tượng và ghi nhận xuất siêu trở lại. Có sự thăng hoa này phần lớn là nhờ khối doanh nghiệp FDI. Song, từ con số đã đến lúc phải nhìn vào thực tế, thực lực của mình.

Nguyễn Duy Nghĩa