Anh Đào Huỳnh Anh Tuấn (sinh năm 1998) một bác sĩ trẻ vừa mới ra trường, được nhận về làm ở một bệnh viện tư ở Quảng Ngãi quyết định trải lòng về câu chuyện mua ô tô của mình sau khi chủ đề “Thu nhập bao nhiêu thì nên mua ô tô?” đang rất được quan tâm hiện nay.
Dưới đây là câu chuyện được anh Tuấn (26 tuổi, ngụ tại TP. Quảng Ngãi) chia sẻ đến VietNamNet:
Đọc câu chuyện được độc giả Lê Đức Quang nói về việc “Tổng thu nhập dưới 30 triệu đồng đừng nên mua ô tô”, tôi thấy quan điểm này chưa chính xác hoàn toàn, câu chuyện của tôi là một ví dụ điển hình.
Sau khi tốt nghiệp năm 2022, tôi về làm cho bệnh viện tư trong tỉnh. Sẵn niềm đam mê xe từ lâu, tôi quyết tâm sẽ sở hữu một chiếc ô tô cũ, vừa phục vụ cho công việc, vừa có thể chở ba mẹ về thăm quê thăm họ hàng mỗi cuối tuần.
Với mức lương khởi điểm chỉ 14 triệu đồng, tôi không “ôm mộng” mua xe đắt tiền nên quyết định lựa chọn chiếc Toyota Yaris đời 2014 được người thân bán lại với giá 350 triệu đồng.
Tôi chọn chiếc xe này một phần vì tin tưởng thương hiệu Toyota, một phần vì xe không có nhiều chi tiết điện tử, ít lo sợ hư hỏng vặt sau khi mua. Quan trọng hơn, tôi mua xe trong khả năng của mình để có thể quản trị tài chính trong mức an toàn, tránh rủi ro.
Sau khoảng thời gian 6 năm học, nhờ việc đi dạy thêm, tôi tích luỹ được khoảng 100 triệu đồng. Được bố mẹ hỗ trợ thêm 70 triệu, và vay của người thân không lãi suất 50 triệu trong vòng 2 năm, tôi đã có trong tay 220 triệu đồng. Tôi quyết định vay ngân hàng 120 triệu đồng trong vòng 5 năm, lãi suất trung bình khoảng 10%.
Theo tính toán ban đầu, mỗi tháng tôi sẽ trả tiền vay ngân hàng 3,25 triệu đồng (giảm dần theo tháng), khoảng 2,1 triệu đồng cho người thân nhờ được hỗ trợ vay không lãi suất 2 năm. Các chi phí cố định “nuôi” xe gồm: bảo hiểm bắt buộc (437.000 đồng/năm), phí bảo trì đường bộ (1.560.000 đồng/năm), bảo hiểm thân vỏ (khoảng 6.000.000 đồng/năm). Vị chi các khoản chi phí cố định này, trung bình mỗi tháng tôi tốn khoảng 6,1 triệu đồng.
Vì phần lớn chỉ di chuyển trong thành phố và cuối tuần về quê nên mỗi tháng tôi chỉ tiêu tốn khoảng 1,3 triệu tiền xăng, tương đương với quãng đường di chuyển khoảng gần 700km. Xe tôi đi hiện tại hao 8 lít xăng/100km. Ngoài ra, các phụ phí BOT cũng chỉ dao động trong khoảng từ 200-300 nghìn đồng mỗi tháng. Nhờ nhà có sân, tôi cũng không phải mất tiền bãi đỗ xe. Tính ra, với các khoản chi để duy trì lưu thông xe, mỗi tháng tôi chỉ tốn khoảng 1,6 triệu đồng.
Cộng cả chi phí cố định hàng tháng và chi phí lưu động, theo lý thuyết tôi sẽ chi khoảng 7,7 triệu mỗi tháng (sẽ có tháng ít hơn vì ít đi lại). Tuy nhiên, tôi vẫn luôn phân bổ quỹ tiền 8,5 triệu đồng cho chiếc xe ô tô, nếu còn dư, tôi sẽ để dành cho việc bảo dưỡng xe sau này.
Sau khi trừ chi phí cho chiếc xe, tôi vẫn còn dư 5,5 triệu đồng để chi tiêu trong tháng. Vì sinh sống và làm việc ở tỉnh nên các khoản chi tiêu của tôi cũng nhẹ nhàng hơn so với những người ở thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Tất nhiên, so với câu chuyện của anh Lê Đức Quang, tôi khác ở chỗ là chưa có gia đình, chưa có con cái, lại chưa gánh nhiều áp lực tài chính.
Ai chẳng muốn có một chiếc xe ô tô "xịn", đẹp, tiện nghi? Nhưng ngay từ đầu, tôi đã xác định quan điểm, không mua một chiếc xe vượt ngoài khả năng tài chính và có thể khiến bản thân “lao đao” trong tương lai. Tôi quyết định chỉ mua chiếc xe vừa túi tiền để giảm các áp lực tài chính nếu có sự cố xảy ra và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Tôi nói điều này, các bạn có thể không tin nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng, nếu bạn chọn đúng chiếc xe đầu tiên của đời mình, nó sẽ mang lại rất nhiều may mắn cho bạn.
Chiếc Toyota Yaris 2014 dù 8 năm tuổi nhưng "ơn trời", từ khi về tay tôi chưa bị hỏng hóc hay sự cố bao giờ. Từ khi lên đời từ 2 bánh sang 4 bánh, mọi công việc của tôi cũng trở nên hanh thông, suôn sẻ. Được cầm vô-lăng hàng ngày đi làm, chở bố mẹ về quê, chở bạn gái đi chơi..., tôi có thêm năng lượng mới và tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống và công việc.
Và khi có niềm tin thì tôi nhận về được nhiều hơn cả mong đợi. Lương của tôi bây giờ không còn chỉ là 14 triệu đồng. Đặc biệt, sau 1 năm mua xe và thêm"gánh nuôi xe", tôi vẫn tích luỹ được số tiền lớn thừa để “trả đứt” khoản vay ngân hàng trước đó, cả gốc và lãi.
Độc giả Đào Huỳnh Anh Tuấn (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi)
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!