Nhu cầu lưu trú và ăn uống tăng mạnh
Những ngày này, nhân viên tại quán nhậu Quang Mập (quận 1, TP.HCM) luôn chân luôn tay chạy phục vụ các bàn cho kịp khách gọi món. Đặc biệt, lượng khách đến đông vào những tối cuối tuần. Chỉ vài tháng trước thôi, chính chủ quán còn nghĩ rằng sau cơn đại dịch Covid-19 càn quét, quán rất khó có thể cầm cự khi lượng khách gần như không có.
“Khách đến đông hẳn, bàn thường xuyên kín người vào cuối tuần. Không ai nghĩ mọi thứ quay lại được như hôm nay”, một nhân viên của quán nói.
Không chỉ có quán nhậu này, nhiều tụ điểm ăn, uống dọc trục đường Hoàng Sa, Trường Sa đều nhộn nhịp trở lại. Ánh đèn các nhà hàng sáng rực mỗi tối, chạy dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tại Phố Tây Bùi Viện (quận 1), bar, pub cũng đông đúc không kém.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 ước đạt 57.757 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 5 năm 2021. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 60%) trong khu vực dịch vụ; đồng thời tháng 5 có quy mô doanh thu bán lẻ lớn nhất kể từ tháng 1/2019.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 5 ước đạt 8.028 tỷ đồng, chiếm 8,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 64,5% so với cùng kỳ. Cục Thống kê địa phương ước tính, 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu lưu trú và ăn uống đạt tới 32.228 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu TP đạt 3,46 tỷ USD. Lũy kế 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu tại TP.HCM ước đạt 17,7 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ.
Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi chiến sự Nga-Ukraine... nhưng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP qua các cửa khẩu cả nước vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí tăng, doanh nghiệp “khát” vốn
Dù nhịp độ sôi động của nền kinh tế đầu tàu cả nước đã quay lại, nhưng biến động giá xăng dầu từ tháng 2/2022 và tiếp đà tăng trong trong tháng 6 đang tạo thách thức lớn cho các DN cung ứng dịch vụ logistics. Bởi, giá xăng dầu tăng dẫn đến giá cước vận tải bị ảnh hưởng đáng kể.
Bà Trần Thanh Hoà - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Giao nhận Tiếp vận quốc tế InterLOG - thông tin, chi phí vận tải đang tăng khoảng 28% so với 3 tháng trước đây do giá xăng dầu tăng đột biến. Do đó, để khách hàng tối ưu hóa chi phí và chuỗi cung ứng trong thời điểm này, một trong những giải pháp mà DN đưa ra là Milk-run. Đây là hình thức vận chuyển kết hợp hợp lấy hàng từ nhiều nhà cung cấp một lần sẽ khiến chi phí vận chuyển giảm đáng kể. Nhà cung cấp có thể dựa vào kế hoạch giao hàng để lên kế hoạch sản xuất, không để thừa quá nhiều hàng tồn kho, giúp giảm lượng hàng tồn.
Cũng rơi vào tình cảnh giống các DN logistics, DN sản xuất lương thực thực phẩm đang đối mặt với cơn “bão” giá khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng 20-30%. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) - lấy ví dụ, trước đây DN có thể chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, nhưng nay con số đó tăng lên 150 tỷ đồng do giá cả leo thang. Nhưng số tiền chênh lệch đó sẽ lấy từ nguồn nào?
Rõ ràng, DN đang “khát” vốn chứ không phải thiếu vốn. Bà Chi dẫn chứng thêm, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn NSNN 40.000 tỷ đồng từ Nghị định, Thông tư mất thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 nay mới bắt đầu triển khai, vậy là quá trễ với DN. Giải pháp mà FFA cần là ngành ngân hàng đẩy nhanh chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) - ông Nguyễn Phước Hưng - khẳng định, nền kinh tế đang có tín hiệu phục hồi tích cực, giới DN cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng, tuyển dụng lao động mới, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc… Bên cạnh đó, các chi phí như nguyên vật liệu, mặt bằng đều tăng cũng khiến nhu cầu vốn tăng thêm. Do vậy, các DN mong muốn được hỗ trợ thúc đẩy triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Về vấn đề trên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, Quốc hội đã yêu cầu xác định rõ, nguồn vốn 40.000 tỷ đồng triển khai không hỗ trợ đại trà mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Các DN vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng, có khả năng phục hồi… Để triển khai hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ nhằm yêu cầu các Bộ, ngành triển khai, tháo gỡ ngay lập tức những vướng mắc để sớm giải ngân hiệu quả.
Mặt khác, các DN khi thiếu vốn luôn nghĩ đến ngân hàng. Đây là suy nghĩ chưa đủ, đúng nhưng không trúng, bởi cần đa dạng hóa nguồn vốn. Ngân hàng không phải là kênh huy động vốn duy nhất mà chỉ chiếm 47%, còn các nguồn khác như giải ngân FDI (14,8%), thị trường trái phiếu DN (21,5%), cổ phiếu, đầu tư công... TS. Lực lưu ý, DN cũng cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; thể hiện thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa nguồn vốn, chủ động hơn trong tiếp cận các chương trình phục hồi.