Tìm nguồn vốn cho 400km cao tốc
Được mệnh danh là “vua hầm” của Việt Nam, hơn thập kỷ qua, Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng hơn 22km hầm đường bộ, 275km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị gần đây, Đèo Cả cho hay, dự kiến đến năm 2030, tập đoàn này đầu tư khoảng 400km đường cao tốc và đường vành đai, với tổng vốn hơn 94.000 tỷ đồng. Tập đoàn Đèo Cả đã được chọn làm nhà đầu tư đề xuất tại các dự án như Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2,...

Tới cuối quý I/2024, HHV có tổng tài sản đạt 37.660 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 36.156 tỷ đồng là tài sản dài hạn, phần lớn là tài sản cố định (hơn 28.227 tỷ đồng). Nợ phải trả lên tới hơn 27.834 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn gần 2.866 tỷ đồng.

So với cuối năm 2023, tình hình tài chính đã tích cực hơn nhưng nợ ngắn hạn vẫn gấp hơn 1,9 lần so với tài sản ngắn hạn. Hệ số thanh toán tạm thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) ở mức 0,52 lần, tốt hơn so với mức 0,37 lần vào cuối năm 2023. 

Theo giải trình, hầu hết khoản nợ dài hạn lớn được HHV vay 16-26 năm đảm bảo bằng quyền thu phí các dự án BOT. Nhiều dự án đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, không ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

HHV cũng xin tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm gần 1.700 tỷ đồng thông qua phát hành gần 20,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức, chào bán riêng lẻ gần 73,5 triệu cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu gần 75,9 triệu cổ phiếu.

Theo tài liệu họp ĐHCĐ năm 2024, HHV dự kiến tiếp tục bổ sung vốn chủ sở hữu vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Hải Vân, Cù Mông) và dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM - Chơn Thành... mỗi dự án quy mô vài chục tỷ đồng.

Theo Tập đoàn Đèo Cả, trong bối cảnh các dự án PPP nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu huy động vốn, việc vay vốn ngân hàng cho đầu tư theo hình thức PPP cũng có lãi suất cao. Để có nhiều tỷ USD cho hoạt động đầu tư trong thời gian tới phụ thuộc vào uy tín, những thành công và việc đa dạng các nguồn huy động vốn.

Giải pháp được Đèo Cả đưa ra là áp dụng mô hình hình PPP++ nhằm đa dạng hoá mô hình huy động vốn từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Thông qua việc đa dang hoá nguồn vốn huy động để tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án. 


deo ca 1.jpg
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh: Deoca

Bên cạnh đó, các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC). Phương thức này góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Việc huy động các nhà đầu tư chiến lược, cổ đông trong ngoài nước cùng tham gia đầu tư vào HHV, tạo ra hệ sinh thái của nhiều hộp, nhiều ngăn tài chính... là chiến lược phù hợp. Gần đây, Pyn Elite Fund đã mua trọn 7 triệu cổ phiếu của Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) với giá đắt hơn bán cho cổ đông hiện hữu.

Theo báo cáo của Đèo Cả, đến cuối năm 2023, "vua đào hầm" có vốn chủ sở hữu hơn 9.455 tỷ đồng nhưng nợ phải trả gần 33.660 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu không nhiều là 200 tỷ đồng, còn lại phần lớn là nợ ngân hàng.

Trong số nợ, HHV vay và nợ tài chính gần 20.100 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngân hàng và một phần nhỏ gần 2,8 tỷ đồng vay nợ công nhân viên. HHV vay nợ ngắn hạn VietinBank 872 tỷ đồng, VietABank gần 40 tỷ đồng... HHV cũng vay nợ thời hạn trên 5 năm hơn 19.125 tỷ đồng từ VietinBank và VietABank. Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng cũng chỉ đạt gần 114 tỷ đồng.

deo ca.jpg
Hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh - công trình do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, đi vào hoạt động từ đầu năm 2022. Ảnh: Deoca

'Ông trùm' đào hầm, làm cao tốc
CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV), do ông Hồ Minh Hoàng làm chủ tịch, vừa thông báo họp đại hội cổ đông thường niên lần hai vào ngày 31/5 qua hình thức trực tuyến, sau khi lần 1 bất thành do không đủ tỷ lệ tham dự.

Việc Hạ tầng Giao thông Đèo Cả tổ chức đại hội bất thành là điều khá bất ngờ, bởi đây được xem là doanh nghiệp chủ lực của CTCP Tập đoàn Đèo Cả (cũng do ông Hồ Minh Hoàng là chủ tịch).

Trước đây, cơ cấu cổ đông của HHV rất cô đặc, tập trung vào một số doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả như Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc, Đầu tư Hải Thạch BOT, BOT Hưng Phát,... Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của HHV thay đổi mạnh trong vài năm gần đây. Tới cuối năm 2023, HHV ghi nhận Đầu tư Hải Thạch BOT nắm 16,09%; Tập đoàn Đèo Cả 1,35%; ông Hồ Minh Hoàng 0,47%...

HHV tiền thân là “Xưởng Thống Nhất” trực thuộc Ban Xây Dựng 67, được thành lập năm 1974, sau đó đổi tên thành Công ty Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) với nhiệm vụ quản lý, vận hành và bảo trì thường xuyên công trình hầm đường bộ Hải Vân.
Năm 2015, Hamadeco đại chúng hóa, trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom với mã chứng khoán HHV. Sau đó, Tập đoàn Đèo Cả mua lại, đến năm 2019, đổi tên thành CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả và niêm yết cổ phiếu HHV trên sàn HOSE vào năm 2021.

Xuất phát điểm từ Xí nghiệp Sản xuất Xây dựng, Xây lắp điện Hải Thạch, ra đời năm 1985 tại Phú Yên, doanh nhân Hồ Minh Hoàng đã kế tục hoạt động kinh doanh của gia đình. Năm 2002, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hải Thạch được thành lập.

Năm 2009, Hải Thạch đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi lấn sang địa hạt mới - thực hiện công trình hầm đường bộ Đèo Cả - với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục chính.

Năm 2014, Tập đoàn Hải Thạch được hình thành với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Năm 2015-2016, Tập đoàn Hải Thạch tham gia góp vốn vào CTCP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Tháng 12/2016, Tập đoàn SBRC chính thức ra mắt, đánh dấu mốc hoàn thiện tái cơ cấu nguồn vốn và dịch chuyển vị trí chiến lược.

Tháng 5/2018, CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) đổi tên thành CTCP Tập đoàn Đèo Cả với chiến lược là nhà đầu tư, tổng thầu thi công các công trình hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam. Theo giới thiệu của CTCP Tập đoàn Đèo Cả, tập đoàn này có 20 công ty thành viên. 

Trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập hôm 26/4, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT HHV và Tập đoàn Đèo Cả, cho biết HHV là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công - tư, với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng tại nhiều dự án lớn như: hầm đường bộ hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hầm Phú Gia Phước Tượng,...

HHV đảm nhận các gói thầu xây lắp tại nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án cải tạo Đèo Prenn (tỉnh Lâm Đồng), dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng,... HHV cũng tham gia giải cứu thành công các dự án bị đình trệ kéo dài như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn ở miền Bắc, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ở miền Nam.
Trên trang web của HHV, doanh nghiệp này cho biết đang quản lý vận hành 30km hầm giao thông, 400km đường cao tốc và quốc lộ.