- Ngô Văn Quyền một thời ngang dọc khắp các bãi vàng ở Thái Nguyên - Cao Bằng - Bắc Kạn, thậm chí ba lần vào tù. Sau quãng thời gian nghiêng trời ấy, “vua bãi vàng” trở về mưu sinh trên bãi rác và làm một việc không phải ai cũng dám làm.

Dựng lán, mang con trắng đêm bới rác

Câu chuyện giữa chúng tôi với anh Ngô Văn Quyền diễn ra ở ngay bên nghĩa trang 14 hài nhi xấu số, trong buổi chiều vùng núi ảm đạm, giữa bãi tập kết rác thải rộng mênh mông heo hút, hoang liêu.

{keywords}
Nơi an nghỉ của các sinh linh nhỏ bé được anh Quyền chăm chút thường xuyên.

Anh Quyền sinh năm 1970 trong một gia đình đông anh em, nhà nghèo. Cuộc sống khó khăn và thiếu tình yêu đã không neo giữ được hạnh phúc, bố mẹ anh chia tay đôi ngả. Không được học hành, bạn bè cùng lứa anh vào thời điểm đó ai cũng giống nhau ở giấc mộng làm giàu.

Quyền lập một bưởng vàng do mình đứng đầu, chỗ nào nghe nói có vàng là tìm đến. Những năm 90 trở về trước, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng nóng nhất tình trạng khai thác vàng. Người giàu lên từ vàng cũng có. Những chuyện đồn thổi người nọ người kia trúng bưởng, trúng vỉa cả trăm cây vàng, cả bao tải vàng càng thôi thúc giấc mộng làm giàu của anh.

Thế là rong ruổi. Hai bàn tay trắng, công cụ chính là cuốc xẻng, khay đãi thủ công, bưởng của Quyền có mặt ở những nơi rừng thiêng nước độc heo hút đến cả những “địa danh” mà dân làm vàng không thể không quên về độ khốc liệt: Thần Sa, Phượng Hoàng, Ma Nu… Những trận tranh cướp giữ vỉa, cướp máng vàng không ngày nào không có. Đổ máu, hút chích, đưa cả xe gái điếm đến “phục vụ” phu vàng, hoàn toàn là những chuyện có thật.

“Cũng có lúc trúng được vài chục cây. Nhưng làm vàng vàng mắt, có tiền thì ăn chơi, cờ bạc hút chích, của thiên rồi trả địa. Tôi vướng vòng tù tội cũng trong giai đoạn này, tổng ba lần đi trại, mất hơn chục năm” - anh nói.

{keywords}
Vua bãi rác, vua bãi vàng hoàn lương Ngô Văn Quyền.

Năm 2000 anh ra tù. Người phụ nữ cùng quê, bây giờ là mẹ của ba đứa con anh, chị May, đã chấp nhận anh mà không màng đến quá khứ.

Hai bàn tay trắng, vợ chồng anh dắt nhau đến thôn Đá Mài, ban đầu được thuê làm bảo vệ trông coi rừng. Rồi, người ta không thuê nữa, đúng lúc ấy thì bãi rác được quy hoạch tập kết ở đây. Vợ chồng anh rẽ ngang sang nghề nhặt rác.

“Cơ cực lắm. Người ta chẳng ai muốn vào chỗ bẩn thỉu thì mình phải lao vào. Nhưng, chẳng còn con đường mưu sinh nào khác” – anh Quyền nhớ lại.

Đận ấy, có những khi vợ chồng anh dựng túp lều ở trong khu vực bãi rác, cho con nằm trong nôi buộc vào chân cột điện để bố mẹ đi làm.

“Phải đổ mồ hôi, nước mắt, nhưng không phải đổ máu, tệ nạn như làm vàng tặc, có vợ con, có mái ấm gia đình hạnh phúc” – “vua bãi vàng” một thời rưng rưng.

Cứ nhìn thấy cái bọc đen là y rằng “nó”!

16 năm lăn lộn ở bãi rác, khi tất cả các hộ dân thuộc xóm Đá Mài được nhận đền bù di dời do thành phố Thái Nguyên quy hoạch bãi rác ở đây, vợ chồng anh mới bắt đầu có mảnh đất cắm dùi: đó là mỏm đồi đối diện với đường vào bãi rác.

{keywords}
Đàn bò – tài sản quý giá của anh Quyền và các “đồng nghiệp” nhặt rác.

Đội nhặt rác thời kỳ “thịnh vượng” lên tới 5-60 người, gồm cả trẻ già trai gái, nhưng Quyền khởi xướng không ai được tranh cướp, gây lộn, dính vào tệ nạn xã hội… Cuộc đời đã tận khổ, phải bao bọc nhau mà sống. Mọi người nghe theo lời anh. Kể cả cái việc “ai gặp cũng bỏ chạy”, đấy là lúc đi bới rác tìm thấy cái bọc có xác trẻ con chết, bị vứt bỏ.

“Qua mấy lần thì tôi có kinh nghiệm: cứ nhìn thấy cái bọc túi ni-lông đen, mấy cái lồng vào nhau, được chằng buộc, sờ vào thấy mềm nhũn thì đích xác là trẻ con.

Mấy anh lái xe chở rác cũng có nghiệm ra bữa nào mà trong xe bồn có “các cậu”, y rằng xe cứ ì ạch, dù cung đường, trọng tải xe chẳng có gì khác…”.

Hỏi, có bao giờ bị ám ảnh, anh Quyền cười hiền lành: “Những lần đầu cũng “khiếp”, nhưng dần dà thành quen. Thời điểm thi công xây dựng “nghĩa trang” cho các cháu, tôi ngủ lại cả đêm ở đây để còn trông coi đồ đạc, máy móc của thợ… mà chẳng có cảm giác ghê sợ gì.

{keywords}
Một góc bãi tập kết rác của TP Thái Nguyên.

“Việc mình làm từ cái tâm, chẳng trời đất nào trừng phạt cả” - anh Quyền bộc bạch trong lúc cơn gió lạnh xẩm tối lùa lao xao mấy bụi cây tòa xòa bên cạnh nghĩa trang 14 hài nhi nhỏ bé.

“Một tháng, hai vợ chồng tôi nhặt nhạnh, chắt bóp cũng được khoảng 6 triệu đồng. Cháu lớn đang là sinh viên năm cuối, hai cháu sau học cấp 2. Cũng mừng, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi.

"Dấp này hàng phế liệu giảm giá nên cũng buồn. Giá vỏ chai nhựa, năm ngoái là 1.500 đồng/kg, năm nay chỉ còn hơn 800 đồng. Tôi định bụng gùi gắng nhặt nhạnh thêm để cuối năm có tiền xây nốt bờ tường rào, mấy cái bậc lên xuống, trồng thêm mấy cái cây cho các cháu đỡ lạnh” - “vua bãi vàng” giải nghệ Ngô Văn Quyền ấp ủ.

Kiên Trung