Chiều 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tiết kiệm 1.510 tỷ đồng từ cơ chế khoán chi

Theo Bộ trưởng Tài chính, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Điển hình như, kết quả việc thực hiện giao tự chủ tài chính theo chế độ quy định, các bộ ngành, địa phương đã tiết kiệm kinh phí ngân sách 1.510 tỷ đồng do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Cụ thể: Bắc Giang tiết kiệm 332 tỷ, Lâm Đồng tiết kiệm 162 tỷ, Đà Nẵng tiết kiệm 128 tỷ, Quảng Ninh tiết kiệm 119 tỷ, Kiên Giang tiết kiệm 64,7 tỷ, Hải Dương tiết kiệm 54,7 tỷ, Tiền Giang tiết kiệm 52,6 tỷ,…

Thời gian qua, Chính phủ tiếp tục rà soát, sắp xếp, xử lý xe ô tô công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Tuy nhiên, việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định. 

Đáng chú ý là còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị. Cụ thể như vi phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa. Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương. 

Thanh tra Chính phủ đã chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý 7 vụ việc liên quan đến sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh…

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, cơ quan thẩm tra quyết toán ở bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn, tổng công ty và địa phương đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 12,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,17% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán.

Đến ngày 31/12/2021, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 29.625 cơ sở nhà, đất (gồm khối cơ quan, đơn vị và khối doanh nghiệp nhà nước); đã thực hiện thu hồi 122 cơ sở nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý đối với 401 cơ sở nhà, đất.

Theo báo cáo của 6 bộ và 43 địa phương, có 8.610 cơ sở, tổng diện tích đất 22.643.486 m2 cần sắp xếp lại của các cơ quan, tổ chức, đơn vị do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021. Tài sản nhà, đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính có tổng diện tích nhà 3.710.034 m2. 

Ngoài ra, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương giúp giảm 7 sở ngành, 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở , 451 phòng cấp huyện…

Nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực

Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh ghi nhận, Chính phủ đã ban hành, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; điều hành linh hoạt, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên;…

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý, công tác đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập, còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh. Ảnh: Minh Đạt

Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

Ngoài ra, công tác lập, chấp hành dự toán còn hạn chế; tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, giải ngân chậm nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, ước thu năm 2021 hụt thu khoảng 28-29 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ báo cáo thu tăng gần 48,9 nghìn tỷ đồng. 

“Như vậy, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trên cơ sở ước dự toán thu năm 2021 là thấp, thể hiện việc dự báo, đánh giá tình hình không sát với thực tiễn”, bà Chinh lưu ý.

Bên cạnh đó, việc chậm triển khai và phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia gây lãng phí lớn về nguồn lực NSNN và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công còn nhiều bất cập, hạn chế. Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Chinh dẫn chứng dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10/2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%. 

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8/2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng. 

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành không đảm bảo tiến độ. Dự án mới giải ngân 63%, trong đó năm 2021 chỉ giải ngân đạt 39,78%. 
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp của nhiều bộ, ngành, địa phương rất chậm. Năm 2021, chỉ thoái vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt xấp xỉ 3,7/40 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo", và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, gây lãng phí nguồn lực…

Từ đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng xác định rõ hành vi vi phạm và có chế tài xử lý nghiêm, đủ sức răn đe.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư như mua sắm vượt quá nhu cầu, định mức, tiêu chuẩn.

Bà Chinh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát các khoản chi, thực hiện triệt để tiết kiệm, đẩy nhanh lộ trình giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển; quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện. 

Cùng với đó, Chính phủ cần kiên quyết xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, công chức…

Thu Hằng