Phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 đã kết thúc hôm qua với mức án tương xứng với hành vi của từng bị cáo.
Là người giữ vai trò xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 tới giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xác định là chủ mưu cho mọi sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và tại Ngân hàng SCB. Dù mang trên mình bản án tử hình ở giai đoạn 1 và bản án chung thân ở giai đoạn 2 nhưng bị cáo tỏ ra khá bình tĩnh.
Bị cho rằng nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bị cáo Lan nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng SCB, nhưng ở cả 2 phiên tòa bà đều phủ nhận và khẳng định bản thân không tham gia vào hoạt động của ngân hàng này.
Bị cáo Lan khai, năm 2012 được Ngân hàng Nhà nước mời vào tái cơ cấu SCB, nhưng bà không tham gia quản lý hay điều hành mà chỉ giữ vai trò cố vấn và cho mượn tài sản. Cũng theo bị cáo, mọi hoạt động do chính cán bộ, nhân viên của SCB điều hành và Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm.
Liên quan tới việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, bị cáo Lan khẳng định mình cho SCB mượn pháp nhân công ty này. Lý do cho mượn là thời điểm đó, SCB hết sức khó khăn.
"Nếu không cho mượn, ngân hàng sẽ sụp đổ, kéo theo đó là tài sản, tiền bạc của bản thân tôi và sui gia, dòng tộc, bạn bè sẽ mất hết. Khi các em hỏi mượn công ty để phát hành trái phiếu, tôi hỏi phát hành cái này là như thế nào thì Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) nói 'Chị yên tâm, tất cả tụi em đều công khai hết'. Vì vậy, tôi mới tin tưởng cho mượn. Bị cáo rất ân hận vì đã cho mượn công ty, khiến mấy chục người phải vào tù như thế này” - bị cáo Lan trình bày.
Về tội danh “Rửa tiền”, bị cáo Lan cũng khẳng định không chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng chi các khoản cho mục đích cá nhân của bản thân.
Về các khoản tiền nộp vào các thẻ tín dụng, bị cáo khai do bản thân thường xuyên sinh sống ở nước ngoài nên chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài.
“Thời điểm đó, lãnh đạo ngân hàng SCB năn nỉ bị cáo mở thẻ tín dụng nên bị cáo mới mở. Khi chi tiêu thẻ tín dụng, đến hạn bị cáo đều sử dụng tiền của mình để thanh toán các thẻ này, hoàn toàn không sử dụng tiền của SCB để thanh toán”, bị cáo Lan giải thích.
Trả lời HĐXX về nguồn tiền chuyển đi nước ngoài từ đâu, bị cáo Lan khai đó là tiền từ nước ngoài cho vay từ trước.
Theo bị cáo, bằng quan hệ và uy tín cá nhân đã thuyết phục được các đối tác nước ngoài cho vay tiền để thực hiện các dự án ở Việt Nam. Các đối tác không đòi hỏi điều kiện hay thủ tục gì mà sẵn sàng cho vay trong thời gian ngắn (3 đến 6 tháng).
“Người ta chịu cho vay là mừng lắm rồi, nếu mình sử dụng sai mục đích thì đối tác nước ngoài sẽ đòi lại tiền nên bị cáo không nghĩ các hợp đồng vay là các hợp đồng khống, hợp đồng giả cách”, bị cáo Lan giải thích về việc chỉ đạo thuộc cấp lập các hợp đồng khống.
Cũng theo bị cáo, để tiền được chuyển về Việt Nam phải trải qua quá trình kiểm soát rất khắt khe từ phía cơ quan nhà nước. Ngoài ra, bị cáo Lan khẳng định bản thân không trực tiếp thực hiện hợp đồng mà chỉ lên kế hoạch về dòng tiền. “Bị cáo chỉ biết rằng khi cần tiền thì sẽ nhận được tiền, còn quy trình, trình tự thủ tục bị cáo không biết”, bà Lan nói.
Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, bị cáo Lan khẳng định sẽ "ưu tiên hàng đầu việc khắc phục hậu quả cho hàng chục nghìn người dân".
“Cả cuộc đời bị cáo không bao giờ quên được việc vì cái tên Trương Mỹ Lan mà hàng trăm gia đình bị ảnh hưởng. Bây giờ, bị cáo chỉ là người dân thấp cổ bé họng, xin HĐXX và VKS xem xét cứu giúp” - bị cáo Lan nghẹn giọng nói.
Trình bày thêm, bị cáo Lan nói tổ tiên của bà hàng trăm năm tạo dựng cơ nghiệp, chưa bao giờ vi phạm pháp luật hay có ý định lừa đảo. “Bị cáo mang mạng sống của mình ra đảm bảo” - bà Lan nhấn mạnh.
Bị cáo còn nói cả cuộc đời có ước mơ xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế, nhà ở xã hội, trường học và mái ấm cho người dân khó khăn. "Nhưng đến nay, ước mơ này chưa kịp thực hiện có lẽ do định mệnh" - bị cáo Lan bày tỏ.