TAND tỉnh Khánh Hòa vừa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; tạm đình chỉ việc thi hành quyết định về giá đất, các thông báo thuế đất tại dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong II (dự án Lê Hồng Phong II) ở TP Nha Trang, nguồn tin VietNamNet cho hay.

Động thái này được đưa ra sau khi TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý vụ “khiếu kiện quyết định hành chính về việc quyết định tiền sử dụng đất”.

Nguyên đơn khởi kiện là Công ty CP Bất động sản Hà Quang (Hà Quang Land) - chủ đầu tư dự án Lê Hồng Phong II.

Bị đơn trong vụ kiện này là UBND tỉnh Khánh Hòa và Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.

W-Duan KDT LeHongPhong 2DJI_0951.jpg
Dự án Khu đô thị Lê Hồng Phong II ở Nha Trang có hàng nghìn người dân sinh sống. Ảnh: Xuân Ngọc

UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã ký văn bản gửi TAND tỉnh liên quan vụ khởi kiện trên. Trong đó, UBND tỉnh khẳng định, việc xác định giá đất dự án Lê Hồng Phong II không được thực hiện theo quy định tại Nghị định 71. Lý do là kết quả thẩm định giá đất của đơn vị tư vấn đã hoàn thành trước ngày 27/6/2024.

Theo ông Tuân, thời gian họp thẩm định của Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Khánh Hòa kéo dài, hồ sơ đất đai của dự án trên được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Đối với Quyết định 2282/QĐ-UBND (Quyết định 2282) về phê duyệt giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng, tiền thuê đất phải nộp đối với dự án Khu đô thị mới Lê Hồng Phong II, do UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành là đúng theo quy định. Còn Hà Quang Land yêu cầu hủy Quyết định 2282 là không có căn cứ, đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện.

Đồng thời, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng đưa lý do bận công tác nên đề nghị vắng mặt trong các buổi làm việc và dự phiên tòa. Địa phương này cử 1 chuyên viên, 1 công chức của Sở TN&MT tham dự.

W-KhudothiLeHongPhong 2 IMG_9276.jpg
Sau nhiều năm hình thành, dự án Lê Hồng Phong II mới được xác định giá đất. Ảnh: Xuân Ngọc

Lý do doanh nghiệp khởi kiện UBND tỉnh 

Dự án Lê Hồng Phong II ở TP Nha Trang có diện tích khoảng 100ha, được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định giao đất lần đầu cho Hà Quang Land hồi tháng 4/2004. Sau đó, địa phương này phê duyệt một số dự án tiếp giáp dẫn tới việc khu đất trên bị chồng lấn ranh giới và thay đổi diện tích.

Đến năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ quyết định nói trên để ban hành quyết định mới, giao lại hơn 51ha đất cho Hà Quang Land thực hiện dự án Lê Hồng Phong II.

Từ đó tới nay, khu đô thị đã hình thành với hàng nghìn người sinh sống. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định khu đô thị trên chưa được xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất nên người dân sống tại đây vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phải đến ngày 29/8/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa mới ban hành Quyết định 2282 về phê duyệt giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng, tiền thuê đất phải nộp đối với dự án Lê Hồng Phong II.  Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa ra các Thông báo 11456, 11596, 11573, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp hơn 1.245 tỷ đồng tiền sử dụng đất và tiền thuê đất cho dự án. 

Hà Quang Land đã đề nghị đối thoại, làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa song không được tỉnh này thực hiện. Họ khiếu nại Quyết định 2282 nhưng cũng không được giải quyết theo thời hạn quy định.

Sau đó, Hà Quang Land đã rút đơn khiếu nại để khởi kiện ra TAND tỉnh, đề nghị tòa án hủy Quyết định 2282 của UBND tỉnh Khánh Hòa và các Thông báo số 11456, 11596, 11573 của Cục Thuế.

W-Duan KDT LeHongPhong 2DJI_0995.jpg
Khu đô thị Lê Hồng Phong II nhìn trên cao. Ảnh: Xuân Ngọc

Trả lời PV VietNamNet về lý do khởi kiện, chủ đầu tư dự án Lê Hồng Phong II nêu, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định 2282 là vi phạm nguyên tắc áp dụng pháp luật, dẫn đến kết quả của việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án không đúng.

Quá trình xác định giá đất khu đô thị Lê Hồng Phong II được thực hiện vào thời điểm Điều 37 của Nghị định 71 quy định về phương pháp thặng dư đã có hiệu lực từ ngày 27/6/2024.

Tuy nhiên, ngày 31/7/2024 Sở TN&MT trình UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định 2282 (đính kèm Biên bản họp Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, các tài liệu do Đơn vị tư vấn thẩm định giá phát hành) thì các cơ quan, tổ chức này đều không áp dụng Điều 37 của Nghị định 71, dẫn đến việc địa phương này vẫn áp dụng phương pháp thặng dư để xác định giá đất cho dự án theo quy định tại Nghị định 12 đã hết hiệu lực thi hành.