- Là tử tù nhưng do đang mang thai nên theo quy định, cơ quan thi hành án sẽ không thi hành án tử hình đối với Nguyễn Thị Huệ mà sẽ chuyển từ hình phạt tử hình xuống chung thân.
Đó là ý kiến của Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội) khi trao đổi với VietNamNet về việc tử tù Nguyễn Thị Huệ bị tuyên án tử hình, đang trong quá trình chờ thi hành án thì tử tù này đã lên kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng để mang thai nhằm thoát án tử.
|
Nguyễn Thị Huệ - tử tù vừa có thai trong trại tạm giam. |
Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vào tháng 6/2014, Nguyễn Thị Huệ bị tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình chờ thi hành án thì Huệ đã có thai. Trường hợp này Huệ có phải thi hành án tử hình nữa không?
- Điều 35 Bộ luật hình sự quy định về hình phạt tử hình:
“Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân”.
Như vậy, theo quy định trên, do Nguyễn Thị Huệ đang mang thai nên cơ quan thi hành án sẽ không thi hành án tử hình đối với Nguyễn Thị Huệ mà sẽ chuyển từ hình phạt tử hình sang hình phạt là tù chung thân.
Nguyễn Thị Huệ đã cố tình mang thai để tránh việc phải thi hành án tử hình, vậy trường hợp này có được áp dụng theo quy định trên không?
- Việc pháp luật hình sự quy định không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Lợi dụng chính sách nhân đạo đó Nguyễn Thị Huệ đã bỏ ra số tiền 50 triệu đồng đề nhờ phạm nhân khác giúp mình mang thai nhằm thoát án tử hình. Trường hợp mang thai này có thể nói là đã được lên kế hoạch rất cẩn thận, tỉ mỉ, tính toán rất kỹ lưỡng từ việc tìm đối tượng để lấy tinh trùng, cách thức lưu giữ tinh trùng, cách thức thụ thai …
Tuy nhiên, pháp luật hình sự quy định ngay cả trường hợp tử tù cố tình dùng thủ đoạn để mang thai thì vẫn không phải chịu hình phạt tử hình.
Song xét về phương diện đạo đức thì hành vi đó là hành vi trái đạo đức, không được xã hội ủng hộ. Chỉ vì trốn tránh tội lỗi của mình mà mang thai để rồi sinh ra đứa trẻ sẽ rất tội nghiệp, đáng thương. Đứa trẻ phải sinh ra và lớn lên trong trại giam, thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của gia đình cũng như những cái nhìn không thiện cảm của người khác.
Như vậy, từ một chính sách nhân đạo đã vô tình gây ra những hệ lụy đáng thương cho đứa trẻ vô tội.
Đây không phải trường hợp tử tù đầu tiên mang thai trong quá trình chờ thi hành án. Theo ông cần làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Đây là trường hợp thứ hai sau sự việc tử tù Nguyễn Thị Oanh (ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) được thoát án tử nhờ việc có người giúp sức cho mang thai.
Để tránh những trường hợp tương tự, các nữ tử tù lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước dùng mọi thủ đoạn để mang thai, bẻ cong pháp luật nhằm trốn tránh hình phạt xứng đáng với hành vi phạm tội thì cần phải có những quy định chặt chẽ hơn như xử lý thật nghiêm những người giúp sức cho việc mang thai, điều tra và quy trách nhiệm cho các cán bộ trại giam liên quan để xảy ra vụ việc (nếu có).
Theo tôi, nếu không có sự giúp sức của những người này thì các nữ tử tù không thể mang thai được.
Nhị Tiến
GĐ Công an Quảng Ninh thông tin vụ nữ tử tù có thai