- Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng: 4-5 năm tới Hà Nội chưa thể cấm xe máy và hạn chế ô tô. 

Theo ông Thạch, việc Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2020 sẽ cấm xe máy và hạn chế ô tô đi vào nội đô rất khó thực hiện. 

Lý do rất đơn giản: Vận tải hành khách công cộng vài năm tới chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.  

{keywords}

Ảnh: Lê Anh Dũng

“Nếu đến năm 2020, Hà Nội có 4-5 tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động thì may ra mới có thể hạn chế được phương tiện cá nhân. 

Với tiến độ như hiện nay thì không thể thực hiện được. Do vậy, cần có lộ trình dài hơn”, ông Thạch nói. 

Về phương án thu phí ô tô vào nội đô, để thực hiện được thì bắt buộc phải có bãi đỗ xe tại các điểm trung chuyển vận tải công cộng. 

Khi người dân tiếp cận vận tải công cộng vào nội thành thuận tiện, lúc đó họ sẽ tự cân nhắc giữa việc đi xe cá nhân vào nội đô phải trả phí hoặc gửi xe bên ngoài và vào nội đô bằng vận tải công cộng. 

Ông Thạch cho rằng, Hà Nội và TP.HCM nên hạn chế ô tô cá nhân vào nội đô trước khi cấm xe máy sẽ hợp lý hơn. Quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay chỉ 8-10% nên hạn chế phương tiện chiếm nhiều diện tích là ô tô trước. Xe máy phải đợi tới khi các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm đi vào hoạt động tại các trục chính mới có thể thực hiện được.

Việc hạn chế ô tô có thể quy định trong giờ cao điểm tại các tuyến hay ùn tắc như đường vành đai 1, vành đai 2 Hà Nội... Tắc chỗ nào tập trung chỗ đó và phải có nghiên cứu cụ thể kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giao thông.

Về việc Trung Quốc cấm xe máy được, nhưng Hà Nội và TP.HCM chưa làm được, ông Thạch cho biết: Để cấm xe máy tại TP Quảng Châu, Trung Quốc đã phải mất  lộ trình 17 năm chuẩn bị và có đầy đủ loại hình vận tải công cộng. 

Chúng ta đường sắt trên cao, tàu điện ngầm chưa có thì lộ trình 5-6 năm thực hiện cấm xe máy là không khả thi. 

Đừng trông chờ vào xe buýt 

Theo Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, do Hà Nội và TP.HCM chưa có đường sắt đô thị, tàu điện ngầm nên hiện nay và kể cả 5 năm tới, việc vận chuyển hành khách bằng vận tải công cộng chủ yếu dựa vào xe buýt. 

Tuy nhiên, xe buýt chỉ phù hợp với thành phố khoảng 1,5 triệu dân, trong khi hiện nay Hà Nội có tới 7 triệu dân, TP.HCM 8,5 triệu thì xe buýt có tăng hết công suất cũng không thể đáp ứng được. 

Vả lại, nếu tăng xe buýt lên quá nhiều thì sẽ thêm ách tắc giao thông nội đô. 

Việc tiếp cận xe buýt cũng chưa thuận lợi, nhiều nơi dân cư tập trung đông đúc nhưng phải đi bộ mất 1-2km mới đến điểm dừng xe buýt, lòng đường vỉa hè đi bộ lại được biến thành nơi để xe...

Nếu không tạo điều kiện để tiếp cận thuận tiện thì việc phát triển xe buýt sẽ không đem lại hiệu quả như mong đợi, xe cá nhân sẽ tiếp tục tăng lên, ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng. 

Nhiều giải pháp làm được ngay

Ông Thạch cho rằng, có nhiều giải pháp trước mắt Hà Nội có thể làm được ngay để giảm ùn tắc nội đô. 

Cụ thể, cần sớm hoàn thiện 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội cũng như nút giao đường Bưởi. Đây là các dự án đã được thi công kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành đang gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. 

Cần tạo sự thông thoáng tại lòng đường vỉa hè cho người dân đi lại. 

Nhiều tuyến đường hẹp nhưng vỉa hè, thậm chí cả lòng đường được trưng dụng trông giữ xe ô tô ngày đêm khiến cho đường càng trở nên ùn tắc. 

Trong giờ cao điểm, xe mô tô 3 bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh, xe thu gom rác nghênh ngang ngoài đường rất dễ gây ùn tắc kéo dài nhưng rất ít bị CSGT xử phạt. 

“Ai cũng biết để giảm ùn tắc thì phải phát triển vận tải công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân nhưng với điều kiện Hà Nội thì còn rất lâu mới thực hiện được. Nhiều giải pháp có thể làm được trước mắt thì chúng ta lại bỏ qua”, ông Thạch nói.

Vũ Điệp