Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng vụ Thu Duc House, truy tố 67 bị can về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Làm giả tài liệu của cơ quan, tố chức; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiêm gây hậu quả nghiêm trọng; Sản xuất hàng giả.
Trong vụ án này, Trịnh Tiến Dũng bị xác định giữ vai trò chính, chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện một loạt hành vi phạm tội như: Dùng thủ đoạn gian dối thông qua việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng nhưng mua bán lòng vòng, nâng giá lên nhiều lần;
Làm, sử dụng giấy tờ giả, giấy tờ không hợp pháp của cơ quan Nhà nước vào việc thành lập, sử dụng các “công ty ma” thực hiện các thủ tục mua bán, xuất khẩu hàng hóa, lập hồ sơ để Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh mua linh kiện điện tử để xuất khẩu, đề nghị và được hòan hơn 538 tỷ đồng tiền thuế GTGT, sau đó chiếm đoạt số tiền này.
Dũng còn sử dụng pháp nhân Công ty Indo Vina, Công ty Hà Giang, dùng thủ đoạn khai báo gian dối nhập khẩu trái phép 39 lô hàng trị giá hơn 72 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 5,2 tỷ đồng.
“Ông trùm” cũng sử dụng các công ty do mình thành lập, chỉ đạo ở Việt Nam và nước ngoài làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa là giả, hàng nhái, tạo dòng tiền, vận chuyển hơn 1.760 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại để thu lợi bất chính hơn 5,2 tỷ đồng phí dịch vụ…
Trịnh Tiến Dũng đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án, CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và thông báo truy nã quốc tế của Interpol nhưng không có kết quả.
CQĐT đã ra quyết định tách vụ án hình sự liên quan đến Dũng và ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với “ông trùm” này, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra xử lý.
Cán bộ thuế, hải quan TP HCM thiếu trách nhiệm
Cáo buộc cho rằng, để xảy ra hậu quả thiệt hại do Trịnh Tiến Dũng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước thông qua Công ty Nhà Thủ Đức, buôn lậu thông qua việc sử dụng pháp nhân các Công ty Hà Giang, Indo Vina, có trách nhiệm của Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Nhà Thủ Đức, các bị can thuộc Cục Thuế TP HCM và Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I- Cục Hải quan TP HCM.
Các bị can này vì thiếu trách nhiệm đã không thực hiện, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.
Cụ thể, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM được phân công nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Công ty Nhà Thủ Đức đối với 15 kỳ hoàn thuế trước, kiểm tra sau từ kỳ tháng 4/2018- 6/2019, nhưng đã vi phạm các quy định về quản lý thuế, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 331 tỷ đồng.
Đối với 15 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Công ty nhà Thủ Đức thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau (từ tháng 4/2018-6/2019) bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM được báo cáo cáo dấu hiệu rủi ro về thuế nhưng không chỉ đạo trao đổi giải quyết giữa các bộ phận khi có ý kiến chưa thống nhất, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro mà cán bộ, lãnh đạo phòng Kê khai kế toán thuế và Phòng Pháp chế đã trình.
Bà Hạnh cũng không chỉ đạo kiểm tra, thanh tra kịp thời, không chờ kết luận thanh tra, kiểm tra để quyết định việc hoàn thuế, trực tiếp ký duyệt các giấy tờ mà Phòng Kê khai- Kế toán thuế, Phòng Pháp chế trình…, vi phạm quy định, gây thất thoát hơn 331 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, các công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Từ tháng 8/2019- 10/2020, Công ty Hà Giang và Công ty Indo Vina mở 39 tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, khai báo nhập khẩu 39 lô hàng điện tử.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan phân công công chức hải quan thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu thuộc 4 tờ khai được phân luồng đỏ như sau: Tờ khai ngày 27/11/2019, Công ty Indo Vina khai báo hàng hóa với tổng trị giá tương đương hơn 147 triệu đồng. Tuy nhiên kết quả kiểm tra xác định, toàn bộ hàng hóa thực tế khác tên hàng và giá trị hàng hóa tương đương hơn 2,4 tỷ đồng.
Tờ khai ngày 1/12/2019, Công ty Hà Giang khai báo trị giá hàng hóa tương đương hơn 244 triệu đồng. Kết quả điều tra xác định, toàn bộ hàng hóa thực tế khác tên hàng và giá trị hàng hóa tương đương hơn 2,3 tỷ đồng.
Điều tương tự diễn ra ở tờ khai ngày 12/2/2020 của Công ty Indo Vina và tờ khai ngày 23/3/2020 của Công ty Hà Giang. Theo đó, giá trị hàng hóa kê khai chỉ hơn 100- hơn 200 triệu đồng, nhưng thực tế kết quả điều tra xác định toàn bộ hàng hóa thực tế đều khác tên hàng và giá trị hàng hóa đều tương đương gần 1 tỷ và hơn 2 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, đủ căn cứ xác định, 7 công chức hải quan TP HCM đã không thực hiện đúng việc kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu theo quy định, gây hậu quả toàn bộ hành hóa nhập khẩu trái phép trị giá hơn 8 tỷ đồng không được phát hiện, tịch thu phát mại sung ngân sách Nhà nước.
Tại CQĐT, cán bộ hải quan Mạc Văn Nguyện, Mạc Thành Nam còn khai nhận việc chi tiền cho công chức hải quan để được tạo điều kiện thuận lợi khi kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.
Tuy nhiên, tài liệu điều tra chưa có đủ căn cứ kết luận việc nhận tiền của công chức hải quan trong quá trình thông quan 39 lô hàng nhập khẩu đứng tên Công ty Hà Giang và Công ty Indo Vina.