Sau gần 2 năm thực hiện Đề án Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 của UBND tỉnh Thái Bình, đến nay huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã có 79 hộ chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.

Mỗi hộ chăn nuôi theo chuỗi liên kết có quy mô từ 5 con trâu, bò sinh sản trở lên và 10 con trâu, bò hỗn hợp các loại.

{keywords}
 Huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã có 79 hộ chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.

Một số hộ tiêu biểu như: hộ ông Bùi Văn Bốn, xã Nguyên Xá có 62 con bò; hộ ông Đoàn Văn Cường, xã Vũ Hội có 60 con bò; hộ ông Trần Văn Chương, xã Vũ Tiến có 35 con trâu, bò...

Để phát triển số hộ chăn nuôi theo chuỗi liên kết, huyện Vũ Thư đã quy hoạch được 12 xã có vùng trồng cỏ với tổng diện tích 196,3ha. Trong đó, diện tích đã trồng 9,5ha. Năm 2021, toàn huyện phấn đấu tăng số lượng đàn trâu, bò đạt từ 8.800 con trở lên.

Chuỗi liên kết theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ trồng cây thức ăn cho trâu bò, thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi trâu bò sinh sản, thương phẩm, sản xuất đệm lót sinh học, thu gom phân, đệm lót sinh học qua sử dụng sản xuất phân hữu cơ, thu mua bò vỗ béo, xuất bán. Sản phẩm của hoạt động chăn nuôi trâu, bò đều được sử dụng triệt để, mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho người chăn nuôi.

Toàn tỉnh có hơn 3.600 ha đất bãi có thể trồng cỏ voi, ngô làm thức ăn cho trâu, bò với năng suất cao và một phần diện tích lúa năng suất kém chuyển sang trồng cỏ.

Sản lượng rơm, rạ lớn, các sản phẩm phụ từ trồng ngô đạt 63.338 tấn/năm; các sản phẩm thân lá của khoai lang, đậu tương, lạc ước trên 100.000 tấn/năm, là nguồn cung cấp nguyên liệu rất lớn để làm thức ăn.

Thái Bình có đội ngũ cán bộ thú y các cấp có trình độ và kinh nghiệm. Về vị trí địa lý, địa phương này cách Hà Nội 110 km, Hải Phòng 70 km, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi cho vận chuyển, giao thương các sản phẩm chăn nuôi đi các tỉnh, thành phố khác.

Trước đây, phương thức và quy mô chăn nuôi trâu, bò tại Thái Bình chủ yếu nhỏ, lẻ, nuôi bán chăn thả, phát triển tại các nông hộ.

Mặc dù xu hướng chăn nuôi tập trung đã xuất hiện, nhưng chưa nhiều. Vài năm trở lại, chăn nuôi nông hộ phổ biến với phương thức nuôi trâu, bò thịt chăn thả và nuôi vỗ béo, bán chăn thả cung cấp cho các cơ sở giết mổ tại tỉnh. Chưa có mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, chăn nuôi liên kết theo chuỗi.

Tại Thái Bình, quy mô đàn trâu, bò còn nhỏ, với 55.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng mới đạt gần 9.000 tấn/năm, bằng 3,3% sản lượng thịt gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng về thịt trâu, bò trong tỉnh, trong nước tăng cao đòi hỏi phải có nguồn cung tương ứng. Giải pháp cho thực tế này cần phải phát triển đàn trâu, bò thành vật nuôi chủ lực. 

Từ tiềm năng phát triển và thực tế trên, Tỉnh ủy Thái Bình đã ra Nghị quyết số 07/NQ/TU ngày 14/6/2019 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm. UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, đưa chăn nuôi, cơ cấu của ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống người chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò của Thái Bình đạt 180.000 con trở lên, chiếm 18 - 20% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; xây dựng được từ 3 - 5 trang trại “lõi”, phát triển 25.000 - 28.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh; thu hút đầu tư xây dựng 1 - 2 khu giết mổ gia súc tập trung; sau đó điều chỉnh tốc độ tăng trưởng cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi trâu, bò. Về giống vật nuôi phát triển đàn bò cái nền sinh sản, đàn bò nuôi thương phẩm, chọn lọc những bò cái lai có tầm vóc, thể trạng đạt yêu cầu từ đàn bò cái sinh sản hiện có để làm nguồn cái nền, nhằm tiếp tục nhân giống và tạo ra đàn bò có năng suất, chất lượng cao.

Cùng với đó, bổ sung quy hoạch đất trồng cây thức ăn để phát triển đàn trâu bò. Đến năm 2025, tối thiểu cần 3.727 ha, trong đó diện tích chuồng nuôi và công trình phụ trợ 560 ha, dành cho trồng cây nguyên liệu làm thức ăn và bãi thả 3.167 ha.

Quy hoạch vùng chăn nuôi có diện tích từ 20 ha trở lên để các doanh nghiệp “hạt nhân” đầu tư các trang trại “lõi”, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại tham gia chuỗi liên kết đầu tư trang trại chăn nuôi có quy mô 100 trâu, bò sinh sản hoặc 200 con trâu, bò thịt trở lên hoặc trồng nguyên liệu thức ăn trâu, bò.

“Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, trở thành một trong những vật nuôi chủ lực, góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, hiệu quả, bền vững”, Đề án Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo nêu rõ.

Phạm Thiện