Dép xỏ ngón là loại dép nguy hiểm nhất nếu sử dụng khi lái xe.
Vụ tai nạn ô tô KIA Forte đâm liên hoàn 17 xe máy tại nút giao Võ Chí Công- Xuân La (Hà Nội) chiều ngày 5/4 đang gây xôn xao trong dư luận vì tính chất nghiêm trọng với 18 người bị thương. Đặc biệt, bức ảnh nam tài xế lớn tuổi bước xuống xe với cặp dép lê làm "dậy sóng" tranh cãi nguyên nhân gây tai nạn liên quan đến trang phục lái xe.
Nhiều ý kiến cho rằng nam tài xế đã lớn tuổi (63 tuổi) đi loại dép lê dùng trong nhà dạng đế trơn thì càng nguy hiểm khi khó sử dụng chân ga, chân phanh nhuần nhuyễn nếu gặp sự cố.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Nguyễn Quốc Tuấn (Đông Anh, Hà Nội) nhận định chiếc KIA Forte không phải loại xe quá cũ để dễ có hư hỏng bất ngờ. Qua hình ảnh clip ghi lại tại ngã tư, anh Tuấn đã liên tưởng đến tình huống mình gặp phải cách đây chưa đến một tuần.
Xem video tai nạn ở ngã tư Võ Chí Công:
Anh kể, hôm đó, trời mưa và anh Tuấn đã điều khiển chiếc KIA Forte của gia đình để đưa con đi học. Sự cố đã xảy ra chỉ sau 15 phút rời khỏi nhà.
Sẵn thói quen hàng ngày nếu đi đâu loanh quanh, anh Tuấn chỉ xỏ vội đôi dép tông là lên xe. Anh vốn nghĩ đi thế cho thoải mái, nhất là trời mưa gió thì đỡ ướt giầy ướt tất. Thế nhưng khi đang di chuyển trên đường đê gần Cổ Loa, bất chợt người phụ nữ đi xe máy phía trước bị áo mưa kẹt vào bánh xe ngã ra đường ngay trước mũi ô tô, anh Tuấn chỉ kịp phản xạ đánh hết lái sang trái và đạp phanh.
Trong khoảnh khắc chỉ tính bằng tích tắc ấy, chân phải anh trượt khỏi bàn đạp phanh do dép tông ngậm nước mất độ ma sát. Chiếc xe vì thế không thể kìm lại lao thẳng về phía triền dốc của con đê. Hoảng hốt tìm cách kiểm soát nhưng như "ma làm", anh Tuấn tỳ chân nhầm sang cả chân ga, chiếc xe KIA rú lên rồi lao càng nhanh xuống con dốc.
May mắn phía dưới dốc có gốc tre rậm rạp nên xe anh Tuấn đã dừng lại được. Thiệt hại cho sự cố là toàn bộ cản trước, két nước hư hại và túi khí nổ bung. Anh Tuấn may mắn không gặp nguy hiểm nhưng sau một tuần ngực vẫn nhói đau do dây bảo hiểm siết lại lúc va chạm.
"Hồi học bằng lái xe, tôi được thầy giáo yêu cầu phải đi giày hoặc dép có quai hậu. Sau này lái quen rồi nghĩ xuề xoà cũng không sao. Nhưng khi việc xảy ra rồi thì mới thấm chuyện giữ an toàn trước khi lái xe đúng là không thừa", anh Tuấn nói.
Thực tế những tài xế có thói quen như anh Tuấn không hiếm.
Khi thảo luận về trường hợp tài xế trên gây tai nạn liên hoàn với hình ảnh bước xuống xe với đôi dép lê, bên cạnh những chỉ trích, nhiều người lại cho rằng chiếc dép không ảnh hưởng mấy, chỉ có tài xế kém mới để xảy ra chuyện.
Một tài xế cho hay: "Tôi lại thấy đi dép lái xe rất thoải mái là đằng khác. Khi điều khiển xe thì cần phải thoải mái nhất là ở đôi bàn chân thì mới có thể xử lý được linh hoạt. Thậm chí đi chân trần cũng được, miễn sao là thấy thoáng mát và dễ điều khiển".
Nhiều lái xe tải đã thẳng thắn nói rằng việc đi giày vào mùa đông là đương nhiên nhưng khi vào mùa hè, mùa mưa, dùng dép mới giúp họ thấy tự tin hơn, không còn cảm giác bức bí, ngứa ngáy.
Tuy nhiên, theo anh Vũ Thanh Tùng – giảng viên trường Trung cấp Nghề Bắc Giang, việc không mang dép không có quai hậu khi lái xe cũng giống nguyên tắc "đã lên xe là cài dây an toàn", nếu muốn được "thượng lộ bình an".
Anh Tùng nói: "Đôi chân của người tài xế rất quan trọng vì bạn cần nhấn ga, đạp phanh, giữ côn (xe số sàn) đòi hỏi sự cơ động và nhịp nhàng. Những đôi dép không chắc chắn có thể khiến tài xế bị trượt khỏi bàn đạp phanh trong các tình huống khẩn cấp".
Một số nghiên cứu quốc tế cho thấy những người mang dép xỏ ngón, dép không quai hậu sẽ mất gấp đôi thời gian di chuyển giữa hai bàn đạp. Chưa kể, khi đạp phanh sẽ khiến thao tác của tài xế chậm đi 0,1 giây. Nghe qua thì có vẻ chẳng đáng kể gì, nhưng nếu đang chạy tốc độ cao thì mỗi một 0,1 giây có thêm đều đáng quý trong quy tắc an toàn 3 giây.
Để hạn chế những tai nạn hoặc sự cố liên quan đến giày dép khi lái xe, các tài xế cần lưu ý như sau:
- Tuyệt đối không dùng dép lê, dép không có quai hậu khi lái xe
- Dùng giày hoặc dép có quai hậu phải đúng cỡ chân, không rộng quá và cũng không chật quá
- Nếu dùng thảm trải sàn nên kiếm loại cài chặt xuống sàn xe hoặc dán cố định, đặc biệt lưu ý khu vực chân ga, chân phanh phải thoáng và không vướng víu.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!