Ngày 1/5, ngân hàng JPMorgan Chase đã chính thức mua lại tất cả các khoản tiền gửi và phần lớn tài sản của First Republic Bank (FRB) sau khi Chính phủ Mỹ tịch tịch thu toàn bộ tài sản của ngân hàng này.
Cụ thể, cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) và giới chức California cho biết đã đóng cửa ngân hàng First Republic và bán toàn bộ 93,5 tỷ USD tiền gửi và phần lớn tài sản cho JPMorgan.
Như vậy, đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ, sau Washington Mutual trong năm 2008. Quy mô của ngân hàng này lớn hơn đôi chút so với Silicon Valley Bank (SVB) - một ngân hàng khác cũng đã sụp đổ trong tháng 3/2023.
Đây là ngân hàng thứ 4 của Mỹ phá sản kể từ tháng 3/2023 sau Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Tính tới cuối năm 2022, First Republic là ngân hàng lớn thứ 14 tại Mỹ và có hơn 220 tỷ USD tài sản.
Với thỏa thuận này, JPMorgan Chase, vốn đã là một trong những ngân hàng lớn nhất của Mỹ, sẽ còn trở nên lớn mạnh hơn nữa.
First Republic Bank là nạn nhân tiếp theo sau làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ ở Mỹ vừa qua. Theo báo cáo của First Republic, lượng tiền gửi tại ngân hàng đã sụt hơn 40% trong quý I/2023. Điều này khiến cổ phiếu First Republic bốc hơi 97% kể từ đầu năm nay và đã bị tạm dừng giao dịch kể từ ngày 1/5.
Trước đó, First Republic Bank nổi tiếng trong hệ thống ngân hàng Mỹ nhờ sở hữu một chuỗi ngân hàng nhượng quyền và có tệp khách hàng chủ yếu là những người giàu có và quyền lực (được cho là có cả Mark Zuckerberg của Facebook). First Republic Bank có một nguồn tiền gửi rất lớn với chi phí rất thấp.
Ngay cả khi SVB và Signature Bank sụp đổ, First Republic Bank vẫn không có khoản nợ quá hạn vay hơn 90 ngày nhờ vào nhóm khách hàng rất chất lượng.
Thêm áp lực cho Fed
Với vụ sụp đổ của First Republic, áp lực đối với Fed đang ngày càng lớn khi ngân hàng trung ương Mỹ sắp có cuộc họp chính sách vào ngày 3/5 tới.
Vụ sụp đổ của First Republic Bank và 3 ngân hàng Mỹ trước đó đều xuất phát từ việc các ngân hàng Mỹ gặp khó và thua lỗ vì lãi suất tăng nhanh và chứng khoán, trái phiếu giảm giá… sau khi Fed liên tục tăng lãi suất 9 lần liên tiếp kể từ năm 2022.
Thông tin xấu về các ngân hàng đã dẫn tới tình trạng rút tiền đồng loạt tại các ngân hàng nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các khoản gửi đều quá giới hạn 250.000 USD do FDIC đặt ra, đẩy nhiều ngân hàng đến bờ vực phá sản.
Theo CEO JPMorgan Chase, Jamie Dimon, thoả thuận mua First Republic có thể giải quyết phần lớn hậu quả trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra khá thận trọng trong bối cảnh lạm phát còn ở mức cao.
Trong biên bản họp tháng 3/2023, Fed vẫn muốn nâng lãi suất dù Mỹ có nguy cơ suy thoái nhẹ. Theo đó, các quan chức đã hạ kỳ vọng về mức đỉnh lãi suất sau nhiều vụ sụp đổ của ngân hàng.
Dù vậy, trong cuộc họp vào tháng 3 các quan chức vẫn nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 4,75%-5% như một nỗ lực cân bằng giữa rủi ro khủng hoảng tín dụng và dữ liệu lạm phát còn quá cao.
Ngay trong biên bản họp tháng 3, Fed cũng đã thừa nhận sự sụp đổ trong lĩnh vực ngân hàng có thể dẫn tới sự thắt chặt điều kiện tín dụng với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Tuy nhiên, Fed không đề cập tới mức độ tác động là như thế nào.
Hầu hết các dự báo gần đây đều cho rằng, lãi suất của Mỹ sẽ nhích lên cao nữa trong năm nay, nhiều khả năng Fed sẽ có thêm 1 đợt nâng 25 điểm cơ bản trong tháng 5/2023.
Trong tháng 3, Mỹ ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao 9,1% trong tháng 6/2022.