Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trong vụ sạt lở ở Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai), bệnh viện tiếp nhận 2 nạn nhân đều trong tình trạng rất nguy kịch do hội chứng vùi lấp. Trường hợp nam bệnh nhân 31 tuổi, dân tộc Tày, đã tử vong ngày 14/9 do suy đa tạng. Còn bé gái 11 tuổi đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa trong tình trạng rất nặng.
Trưa 15/9, đơn vị này tổ chức hội chẩn toàn bệnh viện với chuyên gia tới từ Nhật Bản là Giáo sư, Tiến sĩ Hashimoto để đưa ra các phương pháp tối ưu nhất cứu chữa bệnh nhi.
Báo cáo tại cuộc hội chẩn, bác sĩ Nguyễn Công Khắc - Trung tâm Nhi khoa - cho hay sau 4 ngày được chuyển đến bệnh viện, tình trạng phù nề của bệnh nhân giảm, rối loạn đông máu giảm.
Hiện bệnh nhân vẫn được an thần, thở máy, đồng tử phản xạ ánh sáng yếu nhưng vấn đề viêm phổi của bệnh nhân rất trầm trọng do ứ nước, hít phải nhiều bùn đất trong vụ lũ quét.
“Suốt 4 ngày rửa phổi, dịch bệnh nhi vẫn ra đục ngầu bùn cát. Đến ngày hôm nay, nội soi phế quản có chảy máu, rất khó khăn trong việc làm sạch bùn đất vẫn ở phổi", bác sĩ Khắc thông tin.
Theo Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhi rất rõ, khả năng còn nhiều dị vật ở phổi. Bệnh nhi cần tiếp tục thở máy để bảo vệ phổi và sử dụng thuốc an thần. Ngoài ra, vị chuyên gia này lo ngại nhất đó là tình trạng suy đa phủ tạng có thể xảy ra trong vài ngày tới. Ngoài ra, việc bơm rửa phế quản với bệnh nhi này sẽ không hiệu quả vì dị vật, bùn đất kết dính niêm mạc, nên gây chảy máu.
Các chuyên gia cùng nhau bàn bạc đưa ra phương án tối ưu nhất cho bệnh nhân như vỗ rung bằng áo chuyên dụng để giảm dị vật hô hấp, cố định thêm xương đòn phải gãy, theo dõi nội soi dạ dày bằng ống nhỏ để xác định dị vật trong bộ phận tiêu hóa, tiếp tục theo dõi chấn thương gan, tăng cường cấy máu xác định các vi khuẩn thường có trong môi trường đất bùn.
Tại buổi hội chẩn, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ đã trực tiếp giao cho bác sĩ trực của các trung tâm, khoa phòng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nhi khoa trong điều trị cho bệnh nhi.
Giáo sư Hashimoto đánh giá cao nhận định của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và lưu ý thêm làm các xét nghiệm về nấm.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khi tai nạn xảy ra, bệnh nhi ở với bà ngoại và cậu mợ tại Làng Nủ. Gia đình có 4 người không qua khỏi. Hiện bố mẹ bệnh nhi đang ở bệnh viện theo sát quá trình điều trị. Do đó, ông Cơ yêu cầu các phòng ban hậu cần hỗ trợ lo ăn uống, chỗ ở cho bố mẹ bệnh nhi.