Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng đọc qua câu truyện về cậu bé chăn cừu. Truyện kể về 1 cậu bé có sở thích trêu đùa người khác bằng cách hô hoán và kêu cứu mọi người rằng cậu bị đàn sói tấn công, nhưng khi mọi người ra giúp cậu thì bên cạnh cậu chỉ là những bầy cừu vô hại, cậu nở nụ cười khoái chí trên nỗi  tức giận của mọi người và rồi sau 2 lần đùa cợt thì đến lần thứ 3, khi mà đàn sói đến thật, cậu kêu cứu thì lúc đó không ai còn tin cậu và ra giúp đỡ nữa.

Mới đây, một clip với nội dung “ra đường đốt bom" do một nhóm bạn trẻ thực hiện được cộng đồng mạng truyền tải nhanh chóng.

Trong clip, nam thanh niên hoá trang mang quả bom giả đặt ở nhiều nơi công cộng như trạm xe buýt, cầu vượt, công viên... để hù doạ người đi đường, khiến mọi người hoảng sợ.

 Clip 'ra đường đốt bom': Sáng 19/11, trao đổi với phóng viên, thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội), cho biết đơn vị đang xác minh danh tính nhóm thanh niên tham gia ghi hình và phát tán clip "ra đường đốt bom".

 

Tiếng cười vô ý thức

Nhóm bạn trẻ này từng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng qua những clip hài hước trên YouTube, nhưng với trò đùa lần này, tiếng cười mang lại từ nỗi sợ của người khác được cho là vô cùng phản cảm.

“Giới trẻ bây giờ cái gì cũng lấy ra đùa được, việc khiến người khác hoảng loạn cũng là cách tạo niềm vui à?”, Facebooker Mỹ Linh bức xúc.

Nhiều độc giả sau khi xem clip này cũng để lại rất nhiều bình luận phản đối. Thành viên Thanh Tan Tran nhận xét: “Đừng nói là mục đích muốn mọi người được vui vẻ, lấy bom giả ra đùa kiểu này không ai vui nổi đâu”.

Một số bạn đọc cho rằng chủ nhân của clip này học theo trào lưu nước ngoài có tên “Prank" (trò chơi khăm), dựng lên những tình huống để trêu người đi đường.

“Lại bắt chước nước ngoài đây, cái hay không học lại học cái xấu, bên Mỹ nhiều người phản đối trò này lắm", thành viên Nha Trang cho biết.

Theo quan điểm của một số độc giả, trong khi nhiều nơi trên thế giới phải trải qua những cuộc thảm sát, con người sống trong sợ hãi, mất mát, cách tạo niềm vui bằng trò đùa khủng bố là tiếng cười vô nhân đạo, làm xấu đi hình ảnh người trẻ.

 
Thanh niên ném bom giả khiến người dân hốt hoảng. Ảnh cắt từ clip. 

 

Trò đùa thiếu suy nghĩ và hậu quả khôn lường

Điều khiến người xem bức xúc nhất là đoạn video được dàn dựng và ghi hình ở trạm xe buýt, nơi xe cộ đông đúc vô cùng nguy hiểm. Người bị hù doạ dễ gặp tai nạn nếu hoảng loạn chạy xuống đường. Trò đùa này cũng có thể gây ảnh hưởng những người mắc bệnh tim mạch, có sức khoẻ yếu.

Theo độc giả Văn Hoàn, không có biện pháp xử lý nghiêm sẽ tạo tiền lệ cho nhiều người a dua, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu tư tưởng của giới trẻ và nhất là vấn đề an toàn giao thông.

Với một góc nhìn khác, Nhật Nguyễn, du học sinh tại Mỹ chia sẻ: “Có thể các bạn chưa từng gặp khủng bố nên dễ dàng mang bom giả ra đùa cợt, nhưng vô tình hành động đó lại tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng phạm pháp. Nếu trò đùa của các bạn lan rộng, chẳng may có vụ gì đó, mọi người cũng không tin, thật sự rất nguy hiểm”. 

Gây rối trật tự công cộng

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trò đùa đặt bom giả khủng bố. Năm 2015, một giám đốc trẻ đã chỉ đạo nhân viên đặt những thùng catton giả bom ở một số nơi đông người để gây chú ý, nhằm quảng cáo sản phẩm.

Nhận định về trường hợp của nhóm bạn trẻ trong đoạn clip “ra đường đốt bom", luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng người tham gia tạo dựng clip giả mạo bom có dấu hiệu phạm tội Gây rối trật tự công cộng và những người liên quan có thể bị phạt hành chính về hành vi Gây mất trật tự công cộng theo Nghị định của Chính phủ, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng, theo Điều 245 Bộ luật hình sự năm 1999.

Những trò đùa thiếu suy nghĩ của giới trẻ khiến nhiều người liên tưởng truyện ngụ ngôn Cậu bé chăn cừu, về sự đánh đổi giữa niềm vui nhất thời và hậu quả không thể ngờ tới.

 

Emily