Không ít thạc sĩ, thủ khoa “Tây học” trở về thì trượt công chức, trong khi có người lại được đặc cách, bổ nhiệm với tốc độ mà nền hành chính công của bất kỳ quốc gia tiên tiến nào cũng khó theo kịp.

Công luận và truyền thông gần đây bàn luận khá nhiều về việc bổ nhiệm 1 vị Phó Vụ trưởng khi mới 26 tuổi, tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ).

Bài viết này không tập trung bàn về tính đúng sai của việc bổ nhiệm này, vì muốn vậy cần có đầy đủ thông tin để đánh giá khách quan, dựa trên cơ sở pháp lý, các quy định hiện hành chứ không thể bằng cảm tính. Thay vào đó, bài viết muốn lý giải phần nào vì sao hiện tượng này được “quan tâm” nhiều với không ít hoài nghi đến vậy.

Tuổi quan và tuổi đời

Trên thế giới, có không ít chính trị gia thành đạt từ khi còn khá trẻ. Thủ tướng Canada đương nhiệm được bầu khi mới 43 tuổi. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Điển nhận nhiệm sở khi mới 27 tuổi hay ngoại trưởng Áo được bổ nhiệm khi bước sang tuổi 28. Ở nước ta, trong vài năm trở lại đây, số lượng cán bộ trung, cao cấp ở độ tuổi dưới 40 không còn phải là hiếm, như trường hợp giám đốc sở 30 tuổi ở Quảng Nam.

Hầu hết những trường hợp “quan trẻ” ở các nước phương Tây không gây ra sự “tò mò” từ công luận mà trái lại, dường như những làn gió mới chứa nhiều hy vọng. Điểm chung của những trường hợp này là họ được bổ nhiệm thông qua quá trình minh bạch, do dân/đại diện người dân bầu. Việc họ được lựa chọn vô cùng công khai, khách quan, dựa trên năng lực, thành tựu cụ thể có thể đo lường và được số đông biết đến.

{keywords}
Tranh minh họa: Khều/ Tiền Phong

Còn tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, việc bổ nhiệm cán bộ từ cấp Vụ trở lên phải trải qua rất nhiều bước, quy trình, thủ tục chặt chẽ. Không mấy khi người ta thấy ai đó “đột nhiên” nhảy vọt nhanh chóng mà không trải qua quá trình quy hoạch, thử thách…

Phải chăng vì thế mà dư luận từ ngạc nhiên chuyển sang “xì xào” về tốc độ thăng tiến, luân chuyển nhanh chóng của trường hợp bổ nhiệm của vụ phó 26 tuổi, nhất là vị này được bổ nhiệm, giữ nguyên chức ngay cả khi đi học dài hạn ở nước ngoài.  

Những biện giải từ phía người ra quyết định dường như chưa thỏa mãn dư luận. Có lẽ công luận sẽ cảm thấy thuyết phục hơn nếu được chỉ cho thấy những đóng góp tương xứng cụ thể của vị tân quan này trước khi khoác lên mình “phẩm hàm” đó. Khi ấy tuổi đời, tốc độ bổ nhiệm sẽ không còn là những vấn đề làm nảy sinh mối bận tâm…

Trong khi, với những thông tin người ta biết về vị này, thì ngoài hai bằng thạc sĩ, thành thạo 5 ngoại ngữ, không rõ anh có những phẩm chất, năng lực, đóng góp cụ thể tương xứng với vị trí quản lý được bổ nhiệm? Công luận hoài nghi phải chăng xuất phát từ thực tế học vấn và quản lý là hai địa hạt, hai loại năng lực khác nhau, không thể đồng nhất.

Cùng thạc sĩ “Tây”, sao lắm đoạn trường…

Còn nhớ năm trước, chúng ta từng ngạc nhiên khi hàng chục thạc sĩ, thủ khoa được đào tạo ở nước ngoài khi về nước thi công chức nhưng… trượt vỏ chuối. Cần phải nhấn mạnh họ trượt khi  thi làm viên chức, công chức bình thường chứ không phải một vị trí quản lý dù là ở cấp phòng.

Phải chăng vì thế dư luận hoài nghi về mức độ “xuất sắc” của vị này, nhất là khi từ trước đến nay anh du học tự túc chứ không phải được học bổng.

Không ít thạc sĩ, thủ khoa “Tây học” trở về nước sau khóa học mà họ được mời, được cấp học bổng thì trượt công chức, trong khi có người lại được đặc cách, bổ nhiệm với tốc độ mà nền hành chính công của bất kỳ quốc gia tiên tiến  nào cũng khó theo kịp. Thật khó không khiến người ta so sánh.

Trong thế giới phẳng ngày nay, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều vị “tuổi trẻ lại ngồi cao” bởi tài không đợi tuổi. Sự “xì xào” của dư luận vừa qua chắc không phải đến từ con số 26, những câu hỏi đặt ra xoay quanh việc bổ nhiệm cũng không nhằm phủ nhận sạch trơn thành tích đèn sách của vị này.

Bởi thế, câu trả lời có lẽ không nên bắt đầu từ những tấm bằng hay tuổi tác. Vì như vậy, người ta sẽ dắt nhau đi về hướng khác.

Nguyễn Công Thảo