- Không ai xa lạ với cụm từ “quấy rối tình dục”, cũng như muôn vàn sắc thái của nó. Tuy vậy, thật đáng ngạc nhiên khi luật Việt Nam không chú trọng xử lí hành vi này.
Các nước xử nghiêm, Việt Nam vẫn là khoảng trống
Cuối năm ngoái, phong trào Metoo – một phong trào chống quấy rối tình dục (QRTD) khởi nguồn từ Hollywood và lan nhanh trên khắp thế giới – trở thành tâm điểm thời sự của nhiều báo lớn. Nhiều tháng trôi qua, nhưng dư âm của Metoo dường như không giảm đi, mà có lẽ là vì chính nhờ nó, nhiều nạn nhân đã lấy đủ can đảm để đứng lên vạch mặt, tố cáo những kẻ quấy rối, từ chối đóng vai người chịu đựng thầm lặng.
Dù vậy, phải công nhận một sự thực đáng buồn rằng, chúng ta thường biết đến các vụ tố cáo hay xử phạt liên quan tới hành vi QRTD qua các câu chuyện từ phương Tây, chứ không hẳn ở Việt Nam. Mặc dù theo một khảo sát của tổ chức ActionAid với hơn 2.000 phụ nữ ở độ tuổi từ 16 trở lên tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, có tới 87% phụ nữ từng là nạn nhân của QRTD nơi công cộng, thế nhưng việc lên tiếng chống lại QRTD vẫn là rất hiếm ở Việt Nam.
Một vài vụ việc gây ầm ĩ gần đây như cáo buộc trên mạng xã hội hành vi QRTD các nhân viên nữ của giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ văn bản pháp lí, vụ một phóng viên báo TT bị tố cáo quấy rối một cộng tác viên, hay vụ ca sĩ Phạm Anh Khoa, v.v… mới chỉ cho thấy bề nổi của một tảng băng.
Rõ ràng là không ai xa lạ với cụm từ “quấy rối tình dục”, cũng như muôn vàn sắc thái của nó. Tuy vậy, thật đáng ngạc nhiên khi luật Việt Nam không chú trọng xử lí hành vi QRTD. Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam không hề quy định tội “quấy rối tình dục”, mà chỉ quy định tội “xâm hại tình dục” (tức là có giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác) tội khiêu dâm trẻ em và tội sử dụng người dưới 16 tuổi với mục đích khiêu dâm.
Hiện nay, cụm từ “quấy rối tình dục” chỉ xuất hiện trong Luật lao động 2012, trong đó điều 8 quy định rằng một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “quấy rối tình dục”. Luật này cũng chỉ quy định rằng, khi bị QRTD, người lao động có quyền… đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (điều 37).
Vào giữa năm 2016, Bộ Quy tắc Ứng xử về QRTD tại nơi làm việc được Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố. Cần chú ý rằng văn bản này chỉ là “Bộ quy tắc ứng xử”, chứ không tạo ra một chế tài nghiêm khắc và hiệu quả để ngăn chặn hành vi này.
Có thể nói, hiện giờ ở Việt Nam không hề có quy định hình sự nào xử lí hành vi QRTD nói chung cả. Thậm chí, hành vi QRTD nơi cộng cộng đang là “vùng vô luật”.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, tội QRTD không chỉ được quy định rất rõ ràng, cụ thể, mà còn bị xử phạt rất nghiêm minh. Chẳng hạn như ở Pháp, tội này có thể bị phạt 2 năm tù giam và 30 ngàn euro tiền phạt. Nếu có tình tiết tăng nặng (ví dụ như nạn nhân là người phụ thuộc về tài chính hay xã hội với thủ phạm) thì hình phạt có thể lên tới 4 năm tù giam và 45 ngàn euro tiền phạt.
Vừa qua ca sĩ Phạm Anh Khoa đã phải họp báo xin lỗi lần 2 xung quanh những cáo buộc quấy rối tình dục. Ảnh: VietNamNet |
Đặc biệt, các cơ quan, doanh nghiệp đều đặc biệt chú ý tới vấn đề QRTD nơi công sở, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các hành vi sai trái ở chỗ làm. Chính vì QRTD bị coi là vấn đề rất nghiêm trọng, nên phần lớn nhân viên công sở đều rất chú ý kiểm soát hành vi của mình, vì nếu như bị cáo buộc QRTD thì sẽ có kết cục rất tệ hại cho sự nghiệp.
Đặc biệt, ở Mỹ, QRTD có thể bị khởi kiện tập thể (class action). Năm 1988, tòa án Mỹ đã xử vụ khởi kiện tập thể đầu tiên liên quan tới tội QRTD đối mà nạn nhân là các nữ công nhân mỏ, dẫn đến kết quả là công ty phải có chính sách giáo dục cho toàn bộ nhân viên về QRTD, và mỗi nạn nhân đều nhận được một khoản đền bù khoảng 10 ngàn đô la.
Ngăn chặn khi chưa quá muộn
Ở Việt Nam, QRTD vẫn còn là một chủ đề “nhạy cảm” mà ít người muốn đề cập tới. Các nạn nhân một phần vì tâm lí xấu hổ, một phần không có chế tài xử phạt hiệu quả nên càng ngại vạch mặt thủ phạm. Chính vì thế, hàng ngày QRTD vẫn diễn ra trong sự chịu đựng của nhiều người, đặc biệt là nữ giới ở nơi làm việc và nơi công cộng.
Để hạn chế hành vi này, một mặt, Việt Nam cần phải chú ý xây dựng một chế tài hình sự nghiêm khắc cho hành vi QRTD, mặt khác cần xây dựng các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cho người lao động về vấn đề này.
Ngoài ra, mỗi cá nhân cần phải biết tự bảo vệ bản thân. Giải pháp hiệu quả nhất là đối với mỗi dấu hiệu quấy rối đầu tiên, và cho dù nhỏ nhặt nhất, cần thể hiện thái độ phản ứng rõ ràng và cứng rắn để ngăn chặn hành vi đó lặp lại.
Mỗi doanh nghiệp, cơ quan cũng cần đặc biệt chú ý tới việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên, cụ thể là xây dựng nội quy về “quy tắc ứng xử chống QRTD” nhằm hạn chế các hành vi thái độ thiếu nghiêm túc nơi làm việc.
Không chỉ thế, các giải pháp phụ trợ khác như tổ chức các khóa đào tạo về ứng xử nơi công sở, xây dựng “ban tư vấn” hỗ trợ nhân viên, đồng thời điều tra, xử phạt nghiêm minh các vi phạm… cũng rất nên được thực hiện. Rõ ràng là, khi có một môi trường làm việc thực sự lành mạnh, thì mỗi cá nhân nhân viên đều phát huy tốt hơn năng lực cá nhân, và hiệu quả làm việc cao hơn.
QRTD không phải chỉ là vấn đề của các ngôi sao Hollywood, hay giới showbiz, nó có thể diễn ra trong bất cứ môi trường nào. Vì thế, không hề quá sớm khi chú trọng ngăn chặn vấn đề này ở Việt Nam.
TS. Lê Thị Thiên Hương, từ Pháp
Theo Luật Bình đẳng 2010 Vương quốc Anh, thì “quấy rối tình dục” là “hành vi có tính tình dục không được sự đồng thuận, có mục đích hay có hậu quả là xâm phạm tới danh dự người khác, hoặc tạo ra một môi trường mang tính đe dọa, thù địch, hạ thấp, sỉ nhục, xúc phạm cá nhân” (Điều 26). Các hành vi nằm trong khái niêm này bao gồm những lời nhận xét khiêu dâm, gợi ý về tình dục, hành vi sờ mó, đòi hỏi quan hệ tình dục, cũng như hành vi truyền bá các ấn phẩm khiêu dâm cho người không đồng thuận. Cũng tương tự, điều 222-33 Bộ luật Hình sự của Pháp thì quy định rằng QRTD là “hành vi nhắm tới người khác, một cách lặp đi lặp lại, các lời nói hay cử chỉ có tính gợi dục, có tác động hoặc xâm phạm tới phẩm giá người này vì tính hạ thấp hoặc hạ nhục của các hành vi hay cử chỉ này, hoặc đặt người này vào một tình huống bị đe dọa, khiêu khích hay hạ thấp”. Ngoài ra, luật cũng quy định tội bị coi là tương tự với tội QRTD như sau ”bị coi là tương tự với tội quấy rối tình dục là hành vi, thậm chí không lặp lại, sử dụng mọi áp lực với mục đích thực sự và rõ ràng để có quan hệ mang tính tình dục, cho dù hành vi này đáp ứng nhu cầu người thực hiện hay môt người thứ ba”. Như thế, theo luật của Pháp, QRTD còn có thể được hiểu theo nghĩa bao gồm cả hành vi gây áp lực với nạn nhân để nạn nhân có quan hệ tình dục với một người khác, chứ không chỉ đối với người thực hiện hành vi quấy rối. |
Hỏi sinh viên về quấy rối tình dục, kết quả khiến tôi lo
Có một khoảng trống không nhỏ trong sinh viên về ý thức bảo vệ bản thân, lẫn kiến thức về cách phòng tránh, xử lý tình huống liên quan đến quấy rối tình dục.
Xử nghiêm quan nhỏ 'quấy rối' cấp dưới: Hiệu ứng không... nhỏ
Báo chí thỉnh thoảng dùng từ “đại án” để nói về vụ án này hay vụ án khác trong khi trong công tác xét xử về nguyên tắc mọi vụ án đều có tầm quan trọng như nhau.
QH sẽ giám sát vấn đề xâm hại trẻ em ở mức cao nhất!
"Với vai trò là cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực trẻ em, trong thời gian tới Ủy ban sẽ đề xuất với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát ở mức độ cao nhất đối với nội dung này"
Trẻ bị xâm hại tình dục, lỗi từ chính chúng ta
Trẻ em trưởng thành trong sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, thầy cô và sự bảo vệ nghiêm ngặt của Hiến pháp và Pháp luật. Nếu lỏng lẻo chỉ một trong các môi trường này, chúng dễ bị xâm hại.
Sau lời xin lỗi, Phạm Anh Khoa thừa nhận: 'Sau bao nhiêu năm, hôm nay mới học cách làm một người đàn ông'
Sau lời xin lỗi, Phạm Anh Khoa thừa nhận: 'Sau bao nhiêu năm, hôm nay mới học cách làm một người đàn ông'
Phạm Anh Khoa họp báo chóng vánh, khóc cúi đầu nhận lỗi
Chiều ngày 15/5, Phạm Anh Khoa cùng vợ đã có cuộc gặp gỡ một số phóng viên với thời gian chỉ kéo dài trong 10 phút và Phạm Anh Khoa lần đầu tiên cúi đầu nhận lỗi.