– Tính đến nay là 25 ngày kể từ ngày ngôi nhà số 49 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) bị sập khiến khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng cũng bị “vạ lây”. Trong suốt quãng thời gian này, toàn bộ 19 hộ dân với khoảng 100 người đang sinh sống trong khu tập thể bỗng dưng gặp họa khi phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi. Điều họ bức xúc nhất là cách ứng xử chậm chạp, không rõ ràng và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng.
TIN LIÊN QUAN:
>>
Sống vật vờ sau vụ sập nhà 6 tầng
>>
Nhà 6 tầng sập là của một đại gia?
>>
Sập nhà 6 tầng giữa Hà Nội
Mù tịt thông tin
Suốt 25 ngày qua, trừ 3 hộ được UBND phường Láng Hạ thu xếp cho ở nhờ tại trụ sở Mặt trận Tổ quốc phường thì toàn bộ 16 hộ còn lại đang phải sống trong cảnh vật vờ, chờ đợi không biết đến khi nào cơ quan chức năng mới giải quyết xong toàn bộ sự việc liên quan đến ngôi nhà 6 tầng số 49 Huỳnh Thúc Kháng bị sập.
Bà Quý (phòng 305) đang soi đèn pin dọn dẹp đồ đạc trong căn hộ của mình tại khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng. Tất cả 10 hộ dân "liều" dọn về ở trong khu tập thể đang chịu cảnh mất điện, nước (Ảnh: Phạm Hải) |
Hiện nay, do không thể chờ đợi cơ quan chức năng lâu hơn được nữa, và tự nhận thấy căn nhà “không có sụt lún, nguy hiểm gì” nên 10 hộ trong số này đã “liều” dọn về ở nhưng bị cắt điện, nước, cuộc sống đảo lộn.
Ngoài nhu cầu bức thiết là cần được cấp điện, nước, bà Nguyễn Thị Quý, sống tại phòng 305 của khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng cho biết bà cùng toàn bộ bà con ở đây chỉ có 2 mong muốn: Thứ nhất là cơ quan chức năng sớm khảo sát tình trạng ngôi nhà và đưa ra quyết định là người dân có được về hay không; Thứ hai: Nếu nhà an toàn thì bao giờ người dân được về, còn nếu không thể về ở thì người dân sẽ di dời đi đâu và bao giờ sẽ được di dời? Thiệt hại sẽ được đền bù thế nào?
Trong sự việc này, vai trò của chủ ngôi nhà số 49 Huỳnh Thúc Kháng (nhà bị sập) vẫn chưa thể hiện gì nhiều. Các hộ dân sống trong khu tập tập 51 Huỳnh Thúc Kháng cũng đồng quan điểm cho rằng họ cần phải thương thảo với chủ ngôi nhà bị sập để được đền bù thỏa đáng.
Bác Nguyễn Văn An (phòng 403) cho biết những lo lắng của người dân càng nhiều thêm khi họ không được thông báo một cách công khai, rõ ràng về tiến độ sửa chữa cũng như hướng cụ thể để giải quyết sự việc. Điều này khiến người dân rơi vào cảnh thụ động, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt.
“Đáng ra lãnh đạo phường phải chủ động họp chúng tôi lại để thông báo hoặc bàn bạc để bà con đỡ hoang mang, lo lắng, nhưng nhiều lần chúng tôi tìm đến UBND phường để hỏi nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung, không rõ ràng hoặc chuyển trách nhiệm đến những nơi mà người dân không thể liên lạc được”, người dân khu tập thể số 51 Huỳnh Thúc Kháng bức xúc.
“Quận không thể làm thay phường và công ty quản lý nhà”
Trao đổi với VietNamNet về những bức xúc của người dân sống trong khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng, ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, ông “hiểu, thông cảm” với những khó khăn, đảo lộn trong cuộc sống của các hộ dân và cho rằng “những đòi hỏi như đã nêu của người dân là hoàn toàn chính đáng”.
Ông cũng khẳng định quận đã giao toàn bộ sự việc cho UBND phường Láng Hạ, đề nghị phường tiếp nhận và chủ động thương thảo để giải quyết những yêu cầu, bức xúc của các hộ dân. Trước ý kiến phản ánh “chưa có buổi gặp gỡ, giải thích, thương thảo” nào giữa lãnh đạo phường Láng Hạ với tất cả các hộ dân khiến họ hoang mang, bức xúc, ông Việt cho biết sẽ yêu cầu UBND phường Láng Hạ gấp rút triển khai các nội dung mà quận đã giao.
Khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng bị thiệt hại do ngôi nhà số 49 sập xuống. Hiện nay, sau 25 ngày, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được chính xác ngôi nhà này có an toàn nữa hay không? (Ảnh: VietNamNet) |
Trả lời câu hỏi liên quan đến độ an toàn của khu tập thể số 51, ông Việt nhấn mạnh: khu tập thể có an toàn hay không cần sự kiểm tra và kết luận của cơ quan giám định chất lượng nhà ở, sau đó lãnh đạo phường, quận mới có thể đưa ra quyết định là có được ở tiếp hay không.
Trong trường hợp này, bên có trách nhiệm thực hiện giám định độ an toàn của khu tập thể này là Tổng công ty Tài nguyên Môi trường (đơn vị sở hữu), Công ty TNHH 1 thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đơn vị quản lý). Các đơn vị này phải có trách nhiệm chứ không thể bỏ bẵng đi được. Song song với đó là trách nhiệm khăng khít trong việc đôn đốc, giám sát, xử lý tình huống của UBND phường Láng Hạ.
“Quận có trách nhiệm giao cho phường để thương thảo sự việc và giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ này. Quận cũng đốc thúc và yêu cầu đơn vị sở hữu, quản lý tòa nhà cần giám định chất lượng sớm để có quyết định di dời hay ở lại kịp thời. Quận không thể làm thay cho tất cả các đơn vị được”, ông Việt nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay, cơ quan công an quận Đống Đa vẫn đang tiếp tục phối hợp với thanh tra xây dựng để điều tra. Nếu không thể thương thảo thì có thể phải chuyển sự việc qua cơ quan hình sự để xác định trách nhiệm thỏa đáng.
Cẩm Quyên
TIN LIÊN QUAN:
>>
Sống vật vờ sau vụ sập nhà 6 tầng
>>
Nhà 6 tầng sập là của một đại gia?
>>
Sập nhà 6 tầng giữa Hà Nội