Tuy nhiên, trên thực tế Trung Nguyên thực sự thuộc về ai lại nằm ở cách chia của Tòa án.

Sáng 21.2, TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ án tranh chấp ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Tại phiên xét xử, vấn đề chia tài sản theo tỷ lệ 7/3 như Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ đề xuất hay 5/5 như mong muốn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi “nảy lửa” giữa 2 bên.

Về việc đề nghị chia tài sản theo tỷ lệ 7/3 tức là ông Vũ sẽ nhận về 7 phần, bà Thảo nhận 3 phần, luật sư của ông Vũ khẳng định đề nghị của ông Vũ hoàn toàn căn cứ trên cơ sở pháp lý. Mặc dù luật quy định tài sản chung của vợ chồng thì việc phân chia là 50/50.

{keywords}
Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ tranh luận tại phiên xét xử.

Vị luật sư này phân tích, luật quy định việc phân chia tài sản khi vợ chồng ly hôn phải tính đến công sức đóng góp. Bản thân ông Vũ là người sáng lập ra Trung Nguyên. Thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng là do ông Vũ gây dựng. Trong mấy chục năm qua, ông Vũ là người điều hành và phát triển. Vì lẽ đó ông Vũ phải là người được chia 70% trong số tài sản chung vợ chồng.

Chưa hết, ông Vũ đề nghị trả 30% phần được chia bằng tiền cho bên nguyên đơn để giữ lại tài sản, vị luật sư bảo vệ cho ông Vũ cho rằng, đề nghị này là có cơ sở. Đó là trong nhiều năm qua, ông Vũ là người đứng đầu một tập đoàn nhưng đã phải trải qua tới 18 vụ kiện, bị yêu cầu đi giám định tâm thần, và đây là mâu thuẫn lớn giữa nguyên đơn cũng là vợ ông Vũ và bị đơn".

Mặt khác, nguyên đơn là bà Thảo đã thành lập công ty riêng của mình trong lĩnh vực cà phê với thương hiệu cà phê King Coffee, cùng ngành hàng với Trung Nguyên. Hiện sản phẩm của công ty bà Thảo đang có sự cạnh tranh với sản phẩm của Trung Nguyên.

"Việc đề nghị trả tiền cho 30% phần tài sản nếu bà Thảo được chia tất cả cổ đông khác của Trung Nguyên đồng thuận. Bởi lý do ông Vũ vẫn là linh hồn, người lãnh đạo cao nhất của Trung Nguyên nên việc giao toàn bộ tài sản của Trung Nguyên cho ông Vũ sẽ tạo ổn định để phát triển.

Hơn nữa, bà Thảo cũng đã có thương hiệu riêng, cơ ngơi riêng nên việc nhận tiền và để lại tài sản cho ông Vũ quản lý điều hành hoàn toàn hợp lý", luật sư bảo vệ ông Vũ nói.

Xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty luật SBlaw đánh giá, đây không chỉ dừng lại về vấn đề hôn nhân mà quan trọng hơn là nảy sinh những tranh chấp về tài sản và quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Bàn luận về lý do ông Vũ đưa ra về tỷ lệ phân chia tài sản do ông Vũ đề xuất, ông Hà cho rằng, phía ông Vũ muốn được 70% để ông Vũ được thuận lợi trong quá trình điều hành Trung Nguyên bởi theo quy định của luật 1 người nắm giữ từ 51% trở lên cổ phần của doanh nghiệp hoàn toàn có điều kiện ra quyết định quan trong đối với công ty.

Ngoài ra, việc các con của ông Vũ gửi cho ông lá thư thể hiện nguyện vọng các con muốn sở hữu 5% cổ phần công ty, theo luật sư Hà, đó chỉ là 1 nguồn để tòa án xem xét, tham khảo chứ không hề có giá trị pháp lý trong việc quyết định phân chia tài sản. Quyền quyết định này vẫn thuộc về ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Tuy nhiên, nếu không được bà Thảo chấp nhận, tòa án sẽ đưa ra phán quyết căn cứ vào tình hình thực tế và luật hôn nhân gia đình,

“Theo quan điểm của tôi, đây là tài sản chung, hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ phải chia 50/50”, ông Hà khẳng định.

Đồng quan điểm, có ý kiến cho rằng, lập luận do bên luật sư của Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra để chia tài sản theo tỷ lệ 70/30, trong đó 70% thuộc về ông Vũ và 30% thuộc về bà Thảo chưa thực sự thuyết phục nếu như Trung Nguyên nằm trong danh mục tài sản chung của ông Vũ và bà Thảo.

“Với căn cứ pháp luật, chỉ cần phân định đó là tài sản chung hay tài sản riêng của 2 người để đưa ra mức phân chia phù hợp. Và theo luật, bà Thảo và ông Vũ sẽ nhận được số tài sản ngang bằng nhau khi phân chia những tài sản này. Toàn án chỉ xử theo luật” vị này nêu quan điểm.

Như vậy, nếu xét theo luật, số cổ phần của vợ chồng vua cà phê cũng sẽ được phân chia theo tỷ lệ 50/50, ông Vũ và bà Thảo đều có quyền điều hành như nhau đối với Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng, ông Vũ và bà Thảo sẽ cùng tiếp tục điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.

“Chẳng hạn có 1 căn nhà 2 vợ chồng cùng ở, khi phân chia tài sản ly hôn thì căn nhà đó được xét là tài sản chung. Tuy nhiên, sau đó, tòa hoàn toàn có quyền phán quyết rằng bà này sẽ ở và bà này sẽ thanh toán tiền cho ông kia.

Trường hợp của Đặng Lê Nguyên Vũ cũng tương tự. Khoảng trống pháp lý nằm ở cách chia của Tòa, hoàn toàn Tòa có quyền chỉ ra cách chia nếu Tòa nói rằng cách chia này vẫn đảm bảo công bằng cho các bên.

{keywords}
Nhiều khả năng bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ "rời" khỏi Trung Nguyên dù tài sản được chia 50/50

Không có quy định nào 100% phải chia tài sản bằng cổ phần hay cổ phiếu, không ai cấm tòa đưa ra quyết định cho ông Vũ nắm quyền điều hành Trung Nguyên, trả tiền cho bà Thảo hay giao Trung Nguyên về tay bà Lê Hoàng Diệp Thảo và đẩy ông Vũ ra khỏi hoạt động điều hành công ty”, vị này nhấn mạnh.

Như vậy, tới thời điểm này vẫn chưa ai dám chắc chắn rằng số phận của Trung Nguyên sẽ đi về đâu sau cuộc ly hôn nghìn tỷ này, song nhiều người cho rằng, nhiều khả năng, ông Vũ vẫn sẽ là “linh hồn” của Trung Nguyên và người phải rời đi không ai khác đó chính là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, người từng đầu áp tay gối cùng ông Vũ suốt 20 năm qua?

Trong đơn khởi kiện bà Thảo cho biết đã kết hôn với ông Vũ 20 năm trước. Do vợ chồng mâu thuẫn trong quan điểm sống, chăm sóc các con và điều hành công ty, mục đích hôn nhân không đạt được nên muốn ly hôn. Bà yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng các con và ông Vũ phải cấp dưỡng cho mỗi con 5% cổ phần của mình tại Trung Nguyên.

Theo bà Thảo, vốn điều lệ của Tập đoàn Trung Nguyên hiện là 2.500 tỷ đồng. Tài sản chung của vợ chồng chiếm khoảng 30%. Trong đó, ông Vũ đứng tên số cổ phần trị giá 500 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ), bà sở hữu cổ phần trị giá 250 tỷ đồng (chiếm 10%). Bà đề nghị được chia đôi - tương đương 375 tỷ đồng (15%).

Trong đơn khởi kiện bổ sung, bà Thảo yêu cầu phân chia tài sản chung khác với giá trị khoảng 52,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị tài sản chung bà Thảo yêu cầu phân chia là khoảng 802 tỷ và chia đôi bằng cổ phần sở hữu tại Công ty Trung Nguyên và G7.

Ở giai đoạn toà giải quyết, ông Vũ không bình luận nhiều về vụ việc. Thông qua người đại diện, ông đề nghị được nuôi 4 con, không yêu cầu bà Thảo trợ cấp hằng tháng. Nếu tòa tuyên cho bà Thảo được quyền nuôi các con, ông chỉ đồng ý chia 5% cổ tức cho mỗi người.

(Theo Dân Việt)