Khi cuộc chiến bước sang giai đoạn mới, các nước NATO đã từng bước đẩy mạnh việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Khi làm như vậy, các quốc gia phương Tây đang lặng lẽ vượt qua ranh giới chỉ phòng thủ do các nhà lãnh đạo của họ đặt ra khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu sự leo thang dần dần trong việc chuyển giao vũ khí có thể giúp phương Tây tránh được sự trả đũa của Nga, cũng như giúp Ukraine lật ngược tình thế trên chiến trường hay không.
“Vấn đề sẽ là phương Tây chuyển sang viện trợ các vũ khí tấn công ở mức độ nào và tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung trang thiết bị quân sự thiết yếu được duy trì và tăng lên ra sao", Phil Osborn, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Anh nhấn mạnh.
Quân đội Ukraine đã dành 6 tuần đầu tiên của cuộc chiến cố gắng tiêu diệt các đoàn xe bọc thép của Nga bằng vũ khí bộ binh hạng nhẹ là súng chống tăng bazooka. Vấn đề chiến thuật, hậu cần của các lực lượng Nga cũng như quyết tâm kháng cự của người Ukraine được cho là nguyên nhân khiến phe tấn công với tiềm lực vượt trội phải từ bỏ việc tập kích thủ đô Kiev và các thành phố Chernihiv và Sumy ở phía đông bắc nước láng giềng.
Trong 24 giờ qua, Cộng hòa Séc đã gửi 10 xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô cộng với lựu pháo và xe bọc thép BMP-1 cho Kiev, đánh dấu sự thay đổi đáng kể theo hướng cung cấp "vũ khí tấn công", điều các chính trị gia phương Tây từng khẳng định không có ý định thực hiện. Số khí tài này chưa đủ để bù đắp cho 94 xe tăng mà Kiev đã mất kể từ đầu giao tranh, theo ước tính của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện vẫn có suy đoán rằng Ba Lan có thể chuyển giao cho Kiev thêm 100 xe tăng nữa khi họ đã đạt được một thỏa thuận riêng rẽ hôm 5/4 về việc mua 250 xe tăng Abrams của Mỹ với giá 4,75 tỷ USD.
Tờ The Times đưa tin, Anh cũng đang cân nhắc gửi các xe bọc thép không trang bị vũ khí sát thương cho Ukraine để phục vụ công tác tuần tra và do thám.
Giai đoạn hai của cuộc chiến có thể vẫn mang tính quyết định và dự kiến sẽ diễn ra ở Donbass trong tháng tới, khi quân Nga tìm cách giành quyền kiểm soát Mariupol để tạo cầu nối trên đất liền với bán đảo Crưm, mở rộng khu vực kiểm soát ở các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở vùng ly khai miền đông.
Giao tranh nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong suốt tháng 4. Các quan chức tình báo phương Tây tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể muốn một "thành công đáng kể" cho cuộc diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít truyền thống của nước này vào 9/5, qua đó làm nổi bật những gì phương Tây chuẩn bị cung cấp cho Ukraine hiện nay.
Một số ít xe tăng của Séc hoặc 4 xe bọc thép Bushmaster do Australia viện trợ sẽ không tạo ra nhiều khác biệt. “Nếu chúng tôi đã có những thứ chúng tôi cần - tất cả máy bay, xe tăng, pháo, vũ khí chống tên lửa và chống hạm, chúng tôi có thể đã cứu được hàng nghìn người”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hồi đầu tuần này.
Mỹ hôm 6/4 thông báo sẽ gửi thêm số tên lửa chống tăng Javelin trị giá 100 triệu USD, ngoài số khí tài trị giá 300 triệu USD công bố ngày 1/4 nhằm giúp lực lượng Ukraine phản kích Nga tốt hơn. Theo báo Guardian, lô khí tài viện trợ cuối tuần trước bao gồm cả hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser APKWS. Những tên lửa này thường được lắp đặt trên máy bay, kể cả máy bay không người lái, nhưng cũng có thể được sử dụng trên mặt đất và trong trường hợp đó có thể giúp chống lại ưu thế của Nga về pháo hạng nặng, thứ đã gây ra rất nhiều thương vong cho Ukraine.
Trong lô khí tài viện trợ của Mỹ còn có 10 máy bay chiến đấu không người lái Switchblade 600, với tầm bay 90km, có thể di chuyển liên tục trong 40 phút và mang đầu đạn chống tăng giống như tên lửa chống tăng Javelin. Switchblade 600 là sự thay thế cho máy bay không người lái TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, giúp Ukraine có nhiều lựa chọn hơn trên chiến trường.
Nick Reynolds, một chuyên gia về tác chiến trên bộ tại tổ chức tư vấn an ninh, quốc phòng Rusi của Anh đánh giá, mẫu máy bay không người lái Switchblade là “yêu cầu cấp thiết”. Lí do vì chúng có thể giúp “tấn công các nút chỉ huy, phương tiện chiến tranh điện tử, trung tâm hậu cần, hệ thống phòng không và pháo binh của Nga” cũng như thọc sâu vào phía sau chiến tuyến ở Donbass.
Nguồn cung ngày càng tăng chắc chắn sẽ hỗ trợ Ukraine đương đầu với giai đoạn 2 của chiến dịch tấn công quân sự của Nga. Song, có lẽ phải đến cuối tháng 4 mới sáng tỏ cán cân quân sự giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu không có thêm xe tăng, Ukraine rõ ràng khó có thể giải thoát thành phố chiến lược Mariupol khỏi vòng vây của các lực lượng Nga.
Trong khi đó, mục tiêu của phương Tây ngày càng trở nên kém sáng tỏ hơn. Liệu mục tiêu hiện giờ của họ là để Kiev buộc Điện Kremlin tham gia các cuộc đàm phán hòa bình hay cố gắng gây ra một thất bại nặng nề hơn, tiềm ẩn nguy cơ chọc giận Tổng thống Nga? Một quan chức phương Tây cảnh báo, sẽ "khác về cơ bản" nếu cố gắng buộc các lực lượng Nga rời khỏi Donetsk và Luhansk so với thời Crưm, vì "cách thức Moscow sẽ bảo vệ những lợi ích đó".
Tuấn Anh