Trung Quốc có một điểm tựa rất lớn để đối đầu với Mỹ, đó là thị trường tài chính, bao gồm cả Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và tiền tệ.
Nhưng nếu Trung Quốc sử dụng 2 loại vũ khí này thì họ cũng phải trả một cái giá nào đó, Bloomberg nhận định.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ trả đũa nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa lời đe dọa tăng thuế vào ngày 10.5 đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 25% từ 10%. Brad Setser, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định nếu Trung Quốc áp mức thuế tương đương với 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ để trả đũa thì nhiều khả năng điều đó cũng sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho Trung Quốc.
Ông Trump rất chú ý đến thị trường tài chính. Điều này được thể hiện khi ông thường viết trên Twitter về chứng khoán Mỹ, khi nó liên tục đạt mức cao kỷ lục. Sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế vào ngày 5.5, S&P 500 liên tục giảm.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có một số quân bài mà họ có thể sử dụng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Trung Quốc nắm trong tay những vũ khí hiệu quả để đối đầu với Mỹ trong chiến tranh thương mại. Nguồn ảnh: Dân Việt |
Dưới đây là một số lựa chọn của Trung Quốc:
Phá giá đồng Nhân dân tệ
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp tác động của thuế quan đối với nền kinh tế của mình. Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã suy yếu 5,5% so với đồng USD vào năm 2018 và điều này khiến ông Trump suy đoán rằng Trung Quốc đang cố tình làm suy yếu đồng tiền của mình.
Tuy nhiên, Trung Quốc từng có kinh nghiệm đau đớn với việc phá giá đồng Nhân dân tệ vào năm 2015, khiến dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi quốc gia, vì thế nhiều khả năng nước này sẽ không tiến hành một động thái tương tự, ông Tao Wang, trưởng nhóm nghiên cứu về thị trường Trung Quốc của UBS Group AG nhân định. Cũng theo ông Tao Wang, Trung Quốc muốn tự mình kích hoạt việc dòng vốn chảy ra khỏi nước mình và làm đồng nội tệ mất giá và làm giảm niềm tin trong nước. Ngoài ra, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ năm ngoái đã khiến chính quyền Trump tức giận và là một nguồn cơn khiến Mỹ áp mức thuế cao hơn với nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tiền tệ đã là ột tâm điểm trong các cuộc đàm phán thương mại. Mỹ đã tìm kiếm một hiệp ước ổn định đồng Nhân dân tệ như là một phần của thỏa thuận cuối cùng, Bloomberg trích dẫn nguồn tin am hiểu cho hay.
Bán tháo Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ
Trung Quốc sở hữu 1,1 nghìn tỉ USD Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ (gọi tắt là Trái phiếu Mỹ), nhiều hơn bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác. Nếu họ giảm bớt phần nắm giữ của mình trong loại tài sản có quy mô 15,9 nghìn tỉ USD này, đó có thể là một vũ khí mạnh. Vào năm ngoái, thị trường trái phiếu đã có lúc bị chao đảo bởi một báo cáo rằng các quan chức Trung Quốc khuyến nghị làm chậm hoặc tạm dừng mua Trái phiếu Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc thực sự không có những lựa chọn thay thế tốt hơn để dự trữ 3,1 nghìn tỉ USD ngoại tệ (vốn được cho là lớn nhất thế giới) mà nước này có, và việc bán tháo Trái phiếu Mỹ dường như là không thể, chuyên gia Ed Al-Hussainy của Columbia Threadneedle Investments nhận định. Ngoài ra, nếu Trung Quốc bán tháo Trái phiếu Mỹ điều đó có thể khiến giá giảm mạnh, khiến lợi suất tăng cao hơn và phá giá bất cứ khoản trái phiếu nào của Mỹ mà nước này vẫn đang giữ. Cho đến nay, trái phiếu đã tăng giá, không giảm.
Lợi suất ở Mỹ tăng lên sẽ tác động bất lợi cho giá Trái phiếu Mỹ và khiến USD mạnh lên, Ed Al-Hussainy nhận định. Rủi ro mất ổn định tài chính và ngoại hối của chính sách này có thể lớn hơn lợi ích.
Ngừng mua đậu nành
Trung Quốc, nước mua đậu nành lớn nhất của Mỹ, đã áp thuế 25% đối với sản phẩm này. Phần lớn cây trồng được trồng ở các bang miền Trung Tây nước Mỹ, nơi đã góp phần lớn giúp ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Trước khi các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu diễn biến xấu đi, Trung Quốc đã thực hiện những gì Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue mô tả vào tháng Hai là “đức tin tốt lành” khi mua đậu nành với số lượng lớn.
Dù vậy, trong khi phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc bán phá giá Trái phiếu Mỹ sẽ khó khả thi, việc ngừng mua đậu nành sẽ là một động thái khả thi, Setser nhận định.
(Theo Nhịp cầu Đầu tư)