- TS Vũ Thị Lan - Phó Hiệu trường Trường CĐSP Thái Bình xác định: dạy học tích
hợp không thể đi theo phương pháp cũ, phải có phương pháp mới phù hợp với dạy
tích hợp - dạy nhiều môn. Chủ trương dạy học tích hợp sẽ giúp trường phổ
thông làm mới đội ngũ giáo viên hiện có.....
Đổi mới giáo dục lần này vừa yêu cầu phải tăng cường dạy học tích hợp qua đổi mới kiểm tra, đánh giá (ra đề mở, đề yêu cầu giải quyết vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề), vừa tạo điều kiện cho giáo viên dễ thực hiện hơn do chương trình và SGK được viết theo hướng tích hợp (để dễ nhận ra các mối liên quan giữa các kiến thức khác nhau) và bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học. Chính chủ trương dạy học tích hợp sẽ giúp trường phổ thông làm mới đội ngũ giáo viên hiện có...
Theo bà Lan, trường sư phạm phải tiến hành song song, vừa đổi mới công tác đào tạo, vừa quan tâm, coi trọng đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí các trường tiểu học, THCS.
Việc bồi dưỡng sẽ bổ sung các chuyên đề cung cấp kiến thức những môn học giáo viên còn thiếu hụt so với môn học tích hợp đòi hỏi. Ví dụ: chuyên đề Lịch sử dành cho giáo viên vốn chỉ dạy Địa lí, chuyên đề Hóa học dành cho giáo viên vốn chỉ dạy Sinh học,…. Rèn phương pháp dạy học tích hợp hiệu quả. Ví dụ: Phương pháp dạy học Ngữ văn theo hướng tích hợp, Phương pháp dạy học Lịch sử, Địa lí theo hướng tích hợp, Bộ đồ dùng dạy học tích hợp kiến thức Vật lí và Sinh học, Nâng cao khả năng nhận thức Anh ngữ cho học sinh tiểu học thông qua các bài hát, bài thơ, bài đọc vần điệu và truyện kể tiếng Anh...
Trong quá trình bồi dưỡng, kết hợp tuyên truyền ý nghĩa của dạy học tích hợp. Điều đó tạo nên nỗ lực đổi thay tích cực (từ nhận thức đến hành động) của chính những người trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên CĐSP. Sứ mệnh của Trường CĐSP Thái Bình là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường THCS, tiểu học, mầm non; các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Giảng viên nhà trường phải song hành, thậm chí đi trước giáo viên phổ thông trong vấn đề đổi mới giáo dục.
Chuyển mình không nóng vội
Công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông, bồi dưỡng giảng viên CĐSP đã gắn kết với công tác nghiên cứu khoa học. Năm học 2015-2016, nhà trường đặt hàng và khuyến khích những đề tài nghiên cứu nội dung bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên tiểu học, THCS nhằm thực hiện tốt yêu cầu dạy học tích hợp. Ví dụ: Dạy tích hợp trong môn Tự nhiên - Xã hội ở tiểu học; Dạy tích hợp trong môn Khoa học tự nhiên ở THCS; Dạy tích hợp trong môn Khoa học xã hội ở THCS...
Để có những đề tài, chuyên đề mang tính ứng dụng cao, nhà trường phối hợp với sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố tiến hành khảo sát nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên các trường phổ thông trong tỉnh.
Nhà trường tăng cường giao lưu, hợp tác với các trường CĐSP khác để học tập kinh nghiệm bồi dưỡng giáo viên. Sự chuyển mình của giáo viên theo hướng dạy học tích hợp phải dần từng bước, không nên nóng vội. Trong sự thay đổi lớn lao đó, giáo viên phải nhận được sự thấu hiểu, động viên và chia sẻ khó khăn từ các cơ quan giáo dục. Bộ cần có tài liệu hỗ trợ, tập huấn giáo viên trong thời gian đầu thực hiện CT, SGK mới.
Trong đào tạo, nhà trường đã có sự hiệu chỉnh chương trình các ngành đào tạo. Chương trình hiệu chỉnh đáp ứng định hướng dạy học tích hợp ở tiểu học và THCS: Đưa vào chương trình đào tạo hoặc chương trình môn học/học phần một số nội dung đón trước Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ví dụ: Đối với đào tạo giáo viên THCS, bổ sung kiến thức về văn hóa, văn học, ngôn ngữ, địa lí, lịch sử, bảo vệ môi trường địa phương. Đối với đào tạo giáo viên tiểu học, bổ sung nội dung liên quan đến các lĩnh vực GD Tự nhiên-Xã hội, GD Đạo đức – Công dân, GD kỹ thuật-Tin học,…
Tăng trải nghiệm
Một trong điểm mới của CT, SGK dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2018-2019: tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây là hoạt động giúp học sinh phát huy năng lực cá nhân, hình thành và phát triển những phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, kĩ năng sống và những năng lực chung, đẩy nhanh quá trình lĩnh hội kiến thức của học sinh, gắn hoạt động học tập với thực tiễn cuộc sống, giúp học sinh thấy ý nghĩa của việc học tập trong nhà trường....
Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm không đơn giản, đòi hỏi thời gian, kinh phí, sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau ở nhiều không gian khác nhau... Hoạt động trải nghiệm sẽ vấp phải khó khăn không nhỏ: năng lực tổ chức, quản lí hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của giáo viên phổ thông, của giảng viên CĐSP chưa thực sự tốt.
Bởi vậy, giải pháp được nhà trường đề ra là tăng cường hoạt động trải nghiệm cho sinh viên - những giáo viên tương lai - ngay trong từng môn học/học phần. Bộ môn Tâm lí - Giáo dục và Công tác xã hội làm nòng cốt trong việc rèn luyện sinh viên tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp......
Xây dựng chuyên đề bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí các trường tiểu học, THCS về kĩ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.
Bản thân giảng viên CĐSP cũng được nâng cao nhận thức về ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm trong đào tạo giáo viên; nâng cao năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm (qua tập huấn).
Làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để nhiều thành phần cùng tham gia tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, sinh viên.
Lời giải cho bài toán "Làm thế nào để đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp ở phổ thông khi "đầu vào" của CĐSP chưa cao?" sẽ là: CĐSP phải có phương pháp đào tạo phù hợp, trong đó tăng cường cho sinh viên dự những giờ minh hoạ về sử dụng phương pháp tích hợp, tạo nhiều cơ hội để sinh viên thực hành (được trải nghiệm) dạy học tích hợp.
H.Nguyễn (ghi)