Cái chết tức tưởi (!)
Đến tối 21/10, nhiều người dân sống trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng. Họ cho rằng cái chết của người đàn ông lọt xuống hố ga không nắp trước đó vài giờ rất tức tưởi.
Tại hiện trường, PV VietNamNet ghi nhận, sau sự cố hố ga này trước địa chỉ 388 đường Kinh Dương Vương, P. An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM đã được đơn vị thi công đậy nắp và dùng lưới rào chắn. Tuy nhiên, xung quanh khu vực hố ga vẫn ngổn ngang bê tông, xà bần.
“Chúng tôi tìm mọi cách để cứu nạn nhân nhưng bất lực vì hố quá sâu. Ai cũng hốt hoảng chạy đi tìm dây, gậy để đu xuống hố nhưng lúc đó rối bời nên không ai tìm được dụng cụ nào”- người đàn ông 32 tuổi cho hay.
Khoảng 10 phút sau tai nạn, một nhóm người đang thi công cống gần đó xách thang chạy đến. Một công nhân bắt thang xuống bên dưới hố ga, người này sau một hồi mò trong nước đã tìm thấy được nạn nhân và đưa lên bờ nhưng người đàn ông đã tử vong.
“Cái chết của người đàn ông khiến chúng tôi rất bức xúc. Nếu đơn vị thi công rào chắn miệng hố lại khi tháo nắp cống ra khỏi miệng thì đã không xảy ra sự việc đau lòng trên. Có thể người đàn ông vì nhìn theo xe buýt không chú ý đường nên té ngã. Thế nhưng, nếu đơn vị thi công làm đúng, có trách nhiệm khi rào chắn lại khu vực miếng hố ga thì khi nạn nhân ngã xuống cũng không đến nổi phải lọt xuống hố”- một người dân khác bức xúc nói.
Thi công kiểu “bẫy người”
Qua xác minh, hố ga nơi xảy ra tai nạn là do công nhân công ty TNHH Liên doanh Xây dựng VIC (công ty VIC) thi công.
Đại diện VIC lý giải: hố ga nơi người đàn ông bị ngã tử nạn được thi công từ đêm 20/10. Lúc thi công, công nhân có đặt bốn cột sắt và dùng dây nilon nối bốn cột, bảo vệ xung quanh. Thời điểm người đàn ông gặp nạn, công nhân đang đi đậy các nắp hố ga nên tháo dây bảo vệ ra và xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc trên.
Theo ghi nhận của PV trên đường Kinh Dương Vương một đoạn dài hơn 2km, hố ga ống cống nằm khắp nơi trên đường, vỉa hè. Khu vực trước nhà dân vật liệu, xà bần nằm ngổn ngang.
Được biết, hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn nằm trong dự án cải tạo đường Kinh Dương Vương dài 3,5 km, rộng 48 m với mức đầu tư hơn 730 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang thi công bị đình trệ. Nguyên nhân là do dự án chịu sự phản đối của người dân khi thi công làm nền đường cao, "đẩy" ngập từ đường vào nhà dân.
Liên quan đến vụ việc, đại diện lãnh đạo Trung tâm chống ngập – Chủ đầu tư dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương - cho biết: sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã cử đại diện Ban quản lý đến thăm hỏi gia đình nạn nhân, làm việc với phía công an để lập biên bản vụ việc.
"Rõ ràng các công nhân thi công đã quá chủ quan. Họ nâng hố ga lên, chuẩn bị mở nắp hố ga để xuống dưới làm việc nhưng sau đó lại bỏ đi uống nước và không làm hàng rào bảo vệ. Sau khi điều tra, trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị sẽ được xử lý nghiêm", - đại điện lãnh đạo Trung tâm chống ngập khẳng định.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Hiện trường hố ga “nuốt người” đã được rào chắn, đậy nắp sau tai nạn |
Trao đổi với PV VietNamNet, Luật sư Nguyễn Đức Chánh- Giám đốc công ty Luật TNHH Đức Chánh nêu rõ: Theo khoản 2 Điều 47 Luật Giao thông đường bộ ghi: “Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.”
Do đó, luật sư Chánh cho rằng hành vi thi công không rào chắn, nắp cống…làm người đi đường rớt xuống tử vong là vi phạm pháp luật và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn căn cứ quy định tại Điều 15 của Thông tư liên tịch 09 /2013 do liên bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao ký thì đơn vị thi công đã vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không quy định tại khoản 1 Điều 220 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn…ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa”.
Với lỗi này thì những người thi công công trình này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông theo Điều 220 BLHS.
Còn đối với những cá nhân khác như giám sát thi công thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS.
Về trách nhiệm dân sự, công ty VIC là đơn vị tổ chức thi công công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho thân nhân người bị nạn, bao gồm chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần cho người thân của người bị nạn, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 610 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Như Sỹ