Yêu cầu 8 học sinh cởi đồ chỉ vì nghi ngờ các em giấu thuốc lá điện tử, giám thị ở Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (Gò Vấp, TP.HCM), đã nhận khuyết điểm và chủ động xin nghỉ việc. Khi làm việc với ban giám hiệu trường, thầy giáo trẻ khóc rất nhiều.
Chiều 17/4, thầy đã nói lời chia tay học sinh, nhà trường sau sự việc gây ồn ào. Đây được xem là bài học đắt giá cho người giáo viên khi vừa bước chân vào con đường sư phạm.
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Nam, giáo viên ở quận Gò Vấp, TP.HCM, cho rằng đây là việc không đáng có, xảy ra trong môi trường giáo dục. Thầy giáo đã hành động quá nóng vội. Trong trường hợp này, nếu học sinh vi phạm, thầy cũng không được phép sử dụng phương pháp trên.
Theo thầy Nam, phương pháp giáo dục hoàn hảo nhất là khuyên bảo học sinh. Nếu học sinh tái phạm, giáo viên có thể thông báo tới phụ huynh hay người giám hộ để phối hợp giáo dục các em. Đồng thời, thầy cô cũng nên có cách thức để định hướng trò một cách phù hợp.
“Tôi nghĩ rằng, trong trường học, gần như học sinh nào cũng sẽ vi phạm, cũng có khuyết điểm. Nếu cứ vi phạm khuyết điểm đều phạt các em, có thể phải phạt suốt giờ học và thời gian đâu để dạy học?", giáo viên này phân tích.
Từ thực tế, thầy Nam chia sẻ không ít học sinh thời phổ thông nghịch ngợm, quậy phá nhưng khi lên cao đẳng, đại học có thể các em lại học tốt hơn. Thậm chí, không ít em đã đạt được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Do vậy, thiên chức của người thầy là nghiêm khắc nhưng cũng phải đầy bao dung và vị tha với học sinh.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP.HCM) cho rằng giám thị là bộ phận quan trọng trong trường học. Cũng có thể nói họ là cánh tay nối dài của nhà trường trong công tác giáo dục và giữ gìn an ninh trật tự.
Mọi vi phạm của học sinh, giám thị phải nắm trước tiên và có phản hồi đến ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm hoặc phối hợp với phụ huynh để giải quyết.
Tuy nhiên, vi phạm phải được giải quyết trên tinh thần giáo dục, làm sao để học sinh nhận thức được hành vi của mình là sai. Từ hành vi sai của học sinh, người thầy hướng các em đến những điều đúng đắn. Như vậy, giáo dục phải trên tinh thần tích cực, bao dung, vị tha chứ không thể cứng nhắc.
Theo ông Phú, việc xâm phạm, tác động tới tâm lý học sinh là sai hoàn toàn. “Một lời nói nặng cũng sẽ làm tổn thương một đứa trẻ. Việc thầy giáo để học sinh cởi đồ để kiểm tra các em có mang dụng cụ hút thuốc lá điện tử hay không khá phản cảm”- ông Phú nói.
Ông Phú nhìn nhận trong trường hợp này, thầy giám thị còn rất trẻ, nên có sự nóng vội. Nhưng làm công tác giáo dục, ở vị trí nào, bao nhiêu tuổi đời, cũng cần bình tĩnh và hiểu luật. Vì nếu sai, trước hết bản thân nhà giáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thứ hai, nếu xử lý không có lý, không có tình, sẽ làm tổn thương học trò. Luật nước ta chưa cấm thuốc lá điện tử nhưng các trường học đều cấm học sinh sử dụng bởi nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của các em.
Do vậy, nhà trường chỉ khuyến cáo, tuyên truyền để học sinh tránh sử dụng. Chúng ta không thể dùng quyền hạn của một người thầy để phạt các em.
Học trò ngày nay trưởng thành với nhận thức nhanh nhạy do các em được tiếp cận truyền thông, công nghệ từ rất sớm. Các thầy cô cũng trang bị kiến thức pháp luật, tình huống sư phạm, giao tiếp sư phạm để theo kịp sự phát triển của các em.
Ngoài ra, ở bất cứ tình huống nào, giáo dục bằng tình cảm, sự chia sẻ, bao dung sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là dùng đòn roi, nhục hình. “Đây là bài học lớn cho ngành giáo dục trong việc đối xử với học trò”- ông Phú nói.
Đối với giám thị ở Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner, ông Phú đánh giá, thầy tự làm đơn xin nghỉ việc, cho thấy đã nhận ra sai lầm của mình, trả giá ít nhất là mất việc trong thời điểm hiện tại. Đây cũng là bài học không riêng cho người thầy, mà cả các giáo viên khác.
“Thầy giáo còn trẻ, còn nhiều cơ hội để khắc phục sai lầm”, ông Phú nói. Hiệu trưởng này cũng tin rằng: “Thầy giám thị sẽ có hành trình tốt hơn ở tương lai cho sự nghiệp trồng người. Khi thầy đã biết sai, mong các trường, các cơ sở giáo dục không đóng kín cửa với thầy”.
Ông Phú mong khi bình tâm, thầy giáo có thể thi tuyển viên chức trở lại. Chính những yếu tố xảy ra ở Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner sẽ trở thành kinh nghiệm đắt giá trong sự nghiệp của thầy. Giáo dục sẽ luôn luôn đón nhận những con người phục thiện và cầu thị để phát triển.