Cảnh sát Thái cho hay, vụ tấn công ngôi đền Erawan hôm 17/8 làm 20 người chết, hơn 120 người bị thương có thể là nhằm trả đũa việc nước này triệt hạ những kẻ buôn người.


{keywords}

AP dẫn nguồn cảnh sát Thái cho hay, hiện đã có thể chắc chắn rằng vụ đánh bom chết người nhằm vào đền Erawan ở Bangkok là liên quan tới nhóm buôn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ từ Trung Quốc sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố hôm 15/9 của cảnh sát trưởng quốc gia Thái Somyot Poompanmoung đánh dấu lần đầu tiên giới chức Thái công khai xác nhận vụ đánh bom Bangkok hôm 17/8 liên quan tới vụ buôn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Đã từ lâu, Thái Lan là trung tâm trung chuyển trong khu vực của những kẻ buôn người, gồm cả người Duy Ngô Nhĩ muốn tới Thổ Nhĩ Kỳ. Có giả thuyết khác rằng vụ đánh bom Bangkok là nhằm trả thù chính phủ quân sự Thái đã trục xuất 109 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào tháng 7 và điều đó đã khiến lực lượng này tức giận.

Nhà phân tích an ninh đóng tại Bangkok Anthony Davis nhận xét, vụ đánh bom có thể liên quan tới cả mạng lưới buôn người lẫn một nhóm ngoại quốc có các quan hệ và kinh nghiệm để tiến hành vụ tấn công.

Giới chức Thái vừa tuyên bố, đã lần theo một nghi phạm chính trong vụ đánh bom Bangkok hồi tháng trước tới Thổ Nhĩ Kỳ song vẫn còn chưa chắc chắn liệu tên này có phải là chủ mưu vụ tấn công chưa từng có này hay không.

Các nhà điều tra đã tập hợp được một lượng lớn bằng chứng về mạng lưới buôn người xuyên quốc gia có liên quan tới hơn chục nghi phạm kể từ khi vụ đánh bom xảy ra. Theo đó, cơ quan điều tra đã thiết lập được mối liên kết giữa mạng lưới buôn người và những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc và người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, động cơ vụ tấn công hiện vẫn chưa rõ.

Người Duy Ngô Nhĩ tại vùng Tân Cương, phía tây Trung Quốc có quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một số người theo chủ nghĩa dân tộc coi họ là một phần của gia tộc người Thổ có mặt khắp Á, Âu.

Cảnh sát Thái cho biết, nam giới mà họ cho rằng giúp tổ chức vụ đánh bom đã bay khỏi Bangkok hôm 16/8 bằng hộ chiếu Trung Quốc với tên Abu Dustar Abdulrahman. Tên này được biết tới với tên Ishan hoặc Izan.

Theo cảnh sát Thái, gã đàn ông trên bay tới Bangladesh, ở lại đây 2 tuần rồi tiếp tục về Thổ Nhĩ Kỳ qua ngả New Delhi và Abu Dhabi.

Tuy nhiên, Reuters và AP trích lời quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy người đàn ông trên nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ. Lệnh truy nã với người có tên Ishan đã được ban bố thông qua Interpol.

  • Hoài Linh