BS Lê Quang Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, 3 cháu bé Phạm Bùi Gia K., 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Hà L., 5 tuổi và Nguyễn Anh T., 3 tuổi được chuyển đến cấp cứu vào tối 9/8 trong tình trạng sốc bỏng rất nặng.
Đánh giá sơ bộ, diện tích bỏng của 3 bé lên tới 50-60%. Ngay lập tức, các bệnh nhi được truyền dịch, chống sốc, giảm đau an thần, thở oxy hỗ trợ...
3 trẻ được chuyển đến BV cấp cứu trong tình trạng sốc bỏng rất nặng. Ảnh: Hoài Anh |
Sau hơn 1 ngày điều trị, hiện tình trạng của 3 bé vẫn rất nặng, có thể đe doạ chức năng hô hấp, tuần hoàn và thận nên bác sĩ chưa thể tiên lượng.
Trước đó vào khoảng 15h40 ngày 9/8, các cô giáo tại lớp học mầm non tư thục Tuổi thơ (xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam) tổ chức buổi học về kỹ năng thoát hiểm khi chảy ra cháy nổ cho 25 trẻ.
Trong lúc học, các cô giáo đã đổ cồn vào trong mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Không may, đúng lúc đó gió lớn từ quạt thổi vào khiến ngọn lửa đang cháy trong mâm lan vào người 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng nặng.
Ngay sau đó, 2 cô giáo đang trong lớp đã dùng khăn ướt sẵn có trùm lên người các cháu rồi đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng nhiệt, việc đầu tiên là cách ly bệnh nhân khỏi nguồn gây bỏng, hạ nhiệt vùng bỏng bằng cách xối liên tục dưới nước lạnh sạch khoảng 15 phút để làm giảm độ sâu của vết bỏng. Sau đó, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Thúy Hạnh
Dội nước đá cứu người bị bỏng, đúng hay sai?
Theo tất cả các khuyến cáo của thế giới về vấn đề sơ cứu bỏng thì việc lấy nước đá lạnh dội vào một phần cơ thể khi bị bỏng là không đúng.