Ngoài mức án dành cho 54 bị cáo vụ “chuyến bay giải cứu”, HĐXX cũng đưa ra nhận định đối với các bị cáo thuộc từng nhóm tội. HĐXX đã chỉ ra thủ đoạn của nhóm bị cáo nhận hối lộ.
Theo HĐXX, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch. Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Thực hiện chủ trương này, quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Có 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
Thủ đoạn nhận hối lộ
HĐXX nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo mang tính chất nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc cho nhân dân.
Hành vi nhận hối lộ xảy ra ở nhiều địa phương, bộ ngành khác nhau, cho thấy các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định công vụ, nhận tiền từ các đại diện doanh nghiệp, gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp. Có nhiều bị cáo giữ chức vụ cao và quan trọng trong các bộ, ban ngành nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với các bị cáo thuộc nhóm tội nhận hối lộ, HĐXX cho rằng, một số bị cáo chưa thành khẩn, gây bất bình trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước. Các bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn, nhưng đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội.
HĐXX cũng chỉ ra thủ đoạn phạm tội của các bị cáo như sau: Các bị cáo nhận hối lộ đưa ra thỏa thuận, mặc cả, gây khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện chức trách nhiệm vụ không đầy đủ, dẫn đến việc các doanh nghiệp muốn được cấp phép chuyến bay phải thực hiện “luật bất thành văn” là chi tiền hối lộ.
Một số bị cáo thậm chí còn thông đồng, thống nhất về số tiền nhận hối lộ.
Phân hóa tội phạm
Đối với các bị cáo thuộc nhóm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, HĐXX cho rằng các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội với tính chất đồng phạm. Trong đó bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) là người phạm tội với tính chất đứng đầu, các bị cáo khác là cấp dưới, thực hành tích cực theo sự chỉ đạo của bị cáo Thái.
Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu, cần thiết có đường lối xử lý tương xứng. Trách nhiệm hình sự dành cho các bị cáo sẽ tương xứng với vai trò, có sự phân hóa về tính chất phạm tội của các bị cáo.
Với nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia): 4 năm tù. Những bị cáo khác cũng tại Đại sứ quán này như Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh cùng nhận: 30 tháng tù; bị cáo Đặng Minh Phương 18 tháng tù.
Đối với những bị cáo tại Cục Lãnh sự, theo HĐXX, họ đã nhận tiền nhiều lần, số tiền lớn, gây ảnh hưởng tới đơn vị công tác và gây bức xúc trong nhân dân nên cần mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) là người đứng đầu đơn vị nhưng lại để xảy ra hành vi nhận hối lộ có hệ thống; tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực tác động tới gia đình để khắc phục hậu quả nên HĐXX xét thấy không cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất.
HĐXX tuyên phạt bà Hương Lan án tù chung thân.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (TGĐ) ngoài hành vi đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay còn đưa hối lộ để tránh bị xử lý hình sự, cần xử phạt nghiêm khắc. HĐXX tuyên phạt Hằng và Sơn lần lượt mức án 11 và 10 năm tù về tội Đưa hối lộ.
Đối với Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) đã nhận tiền để “chạy án”, HĐXX nhận định đây là hành vi đáng lên án; dù bị cáo đã khắc phục hết nhưng cũng cần áp dụng mức án nghiêm khắc để mang tính răn đe và phòng ngừa chung.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) đã lợi dụng chức vụ vị trí công tác để chiếm đoạt tiền của bị hại nên cần có đường lối xử lý nghiêm khắc.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Tuấn 5 năm tù về tội Môi giới hối lộ, tuyên phạt bị cáo Hưng án tù chung thân.
Ở nhóm tội đưa hối lộ, có 10 bị cáo được hưởng án tù treo. Đánh giá về mức án mà HĐXX dành cho 10 bị cáo này, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Có rất nhiều các bị cáo đưa hối lộ, nhưng số tiền không lớn. Cũng phải hiểu rằng, tâm lý là không ai muốn tự nhiên đem tiền đi đưa người khác.
Việc tuyên án tù treo đối với 10 bị cáo trên vừa phòng ngừa chung với xã hội, răn đe với các bị cáo, nhưng cũng là khoan hồng để các bị cáo còn có cơ hội sửa sai.
“Tôi đánh giá cao phán quyết đối với 10 bị cáo mà tòa án đã mạnh dạn cho họ được hưởng án treo. Tôi đánh giá đây là nhân văn và phản ánh đúng đường lối nhân văn của pháp luật nước ta”, lời luật sư.
Vẫn theo luật sư Trương Anh Tú, cùng nhóm tội nhưng khi lượng hình, HĐXX sẽ phân hóa. Ví dụ, cùng nhóm tội nhận hối lộ nhưng những người vòi vĩnh bao giờ cũng nhận án rất nặng. Những người không vòi vĩnh thì tòa đánh giá trong một nhóm riêng, đó là sự phân hóa.
Và có thể một số bị cáo cảm thấy là mình xứng đáng được Nhà nước khoan hồng hơn nữa thì chắc chắn họ sẽ có kháng cáo sau buổi tuyên án hôm nay.