Bạn đọc Phạn Văn Minh cho rằng VEC E đã có 'một quyết định thật buồn cười".
“Lạ thật, một công ty lại có quyền ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện giao thông di chuyển trên đường mà không thông qua một cơ quan công quyền nào? Vietnam airlines, Vietjet air... đâu có quyền cấm ai bay đâu. Tất cả phải qua Cục Hàng không Việt Nam; chưa kể việc cấm dựa vào quy định nào của pháp luật? Cái xe làm gì mà bị cấm ?”
Đồng quan điểm, bạn đọc Thanh Hùng cho rằng VEC E đang cố tính không hiểu luật, hay cố tình đứng trên pháp luật ?
"Đất làm đường cao tốc là của dân, mọi sai phạm sẽ có luật pháp xử lý. VEC E có thể kiện 2 xe kia ra toà để luật pháp xử lý, chứ không được phép tự đứng ra thực thi luật pháp như vậy”, bạn đọc này thẳng thắn.
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây bị ùn tắc giao thông |
Bạn đọc Lê Hữu Thi đặt câu hỏi: căn cứ nào để doanh nghiệp làm dịch vụ công (BOT) ban hành quyết định từ chối phục vụ đối với phương tiện đang đủ điều kiện lưu hành theo quy định của pháp luật?
Bạn đọc này phân tích, nếu công dân và phương tiện nói trên có những hành vi vi phạm pháp luật thì VEC E có quyền gửi công văn và chứng cứ, hình ảnh đến các cơ quan có chức năng để xử lý cá nhân vi phạm theo pháp luật, chứ không thể tùy tiện 'cấm cửa' vĩnh viễn họ.
"Phải chăng các tuyến đường BOT mà VEC E quản lý là tài sản riêng, là vương quốc riêng của VEC E nên họ muốn cấm ai thì cấm?" - bạn đọc này nêu ý kiến và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Bạn đọc Anh Hùng cho rằng nếu để doanh nghiệp kinh doanh phúc lợi của dân rồi tự ra quy định cấm đoán như thế này liệu luật pháp và hiến pháp còn giá trị gì không? Quyền công dân ở đâu khi mà họ được làm những điều pháp luật không cấm?
Trong khi đó, bạn đọc Phúc Khánh cho rằng: “Tôi ủng hộ cách xử lý của VEC E vì đây là hợp đồng dân sự của 2 bên. Tuy nhiên không nên can thiệp bằng văn bản như thế. Nếu cần thì các bên đưa nhau ra tòa”
Một giải pháp khác được bạn đọc Nguyễn Hồng Hà nêu: đã cấm thì VEC E cần phải cấm luôn tài xế của hai xe đó. Nếu chỉ cấm chiếc xe thôi thì tài xế vẫn có cơ hội tái diễn hành vi xấu xa.
Cũng có hành vi tương tự là xe BKS 51C-78196 tại làn 10, 51G-77256 tại làn 8. Nhân viên tại trạm thu phí đã giải thích về các sự cố trên đây dẫn đến việc lưu thông chậm trên tuyến, mời vào trong khu văn phòng của trạm để giải thích cụ thể, tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.
Cho rằng người điều khiển hai phương tiện BKS 51A-55850, 51G-77256 và những người đi cùng không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, đe dọa đánh đuổi nhân viên, gây ùn tắc tại trạm, làm mất trật tự an ninh tại khu vực nên VEC E đã quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
VEC E cũng viện dẫn quy định theo quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Đầu năm, VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô đi cao tốc
Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) vừa cho biết, sẽ từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô trên cao tốc do đơn vị quản lý, khai thác.
Thảo Nguyên